Bị ‘tố’ viện phí mới gấp 100 lần, Bộ Y tế lên tiếng

29/06/2018 17:00:44

Bộ Y tế khẳng định không có chuyện Bộ xây dựng giá dịch vụ y tế cao hơn 100 lần giá sử dụng thực tế.

Bị "tố" thông tư mới nhiều bất cập

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 15, quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các BV cùng hạng trên cả nước, điều chỉnh giá 88 dịch vụ. Thông tư này có hiệu lực từ 15/7 tới, thay thế Thông tư 37.

Ngay sau đó, BHXH Việt Nam có công văn gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chỉ ra một số điểm bất cập trong thông tư mới.

Bị ‘tố’ viện phí mới gấp 100 lần, Bộ Y tế lên tiếng
Ông Nguyễn Nam Liên (thứ 3 từ trái qua) phản bác các thông tin liên quan đến Thông tư 15

Cụ thể, phía BHXH cho rằng, các định mức kinh tế - kỹ thuật để tính giá trong Thông tư 15 vẫn chưa sát thực tế, chủ yếu được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát của các BV tuyến TƯ như Việt Đức, Bạch Mai... Điều này dễ khiến nhiều cơ sở đề nghị thanh toán vật tư y tế trong định mức lớn hơn số thực tế xuất dùng.

Ví dụ mức giá cho dịch vụ mội soi tai mũi hiện là 203.000 đồng, nhưng giá thực tế chỉ bằng xấp xỉ 50%.

Một số giá không có nguồn tham khảo (như đèn tuýp, gối, vỏ gối…), tự định giá. Một số giá chỉ lấy khảo sát từ 2- 5 cơ sở khám chữa bệnh và có sự chênh lệch lớn (giá gấp 100 lần), sau đó lấy giá trung bình.

Bộ Y tế phản bác

Tại cuộc gặp báo chí sáng nay, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế phản bác các thông tin trên.

Ông Liên cho biết, Bộ Y tế căn cứ vào kết quả trúng thầu của các BV cả trung ương và địa phương để xây dựng giá các loại vật tư, hóa chất theo 2 vòng. Trong đó so sánh giá trung bình với giá trúng thầu của các đơn vị, loại các giá trúng thầu cao hơn, thấp hơn trên 25% để tính giá trung bình.

Do đó ý kiến nêu có sử dụng mức giá cao gấp 100 lần là không đúng. Phía BHXH đã có công văn báo cáo Phó Thủ tướng đính chính thông tin này.

Ông Liên cũng phản bác thông tin cho rằng Bộ chỉ khảo sát giá các bệnh viện tuyến TƯ.

"Chúng tôi đã khảo sát thực tế tại 30 BV, tổng hợp báo cáo của 4 BV hạng đặc biệt, 56 bệnh viện hạng 1, 140 BV hạng 2, hơn 250 BV hạng 3 chứ không phải chỉ căn cứ vào giá tại BV tuyến TƯ”, ông Liên thông tin.

Theo ông Liên, trong đợt điều chỉnh lần này, có tới 70 dịch vụ y tế giảm giá so với trước từ 5-24%, gồm: Giá khám bệnh, giá ngày giường và giá các loại xét nghiệm.

9 dịch vụ điều chỉnh tăng khoảng 5% gồm giá giường hồi sức tích cực, giường hồi sức cấp cứu. Bổ sung giá của 9 loại dịch vụ kỹ thuật mới giúp những bệnh nhân tham gia BHYT được thanh toán.

Ngoài ra, Thông tư 15 điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau. BHXH sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu.

Về thông tin cho rằng thông tư giảm giá khám chữa bệnh nhưng lại tăng định mức từ 35 lên 65 lượt/bàn khám/ngày gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, ông Liên cho biết, con số 65 chỉ là tối đa để thanh toán.

Ông cho biết, mức kỳ vọng của Bộ Y tế là 35 người/bàn/ngày nhưng hiện số lượt khám tại tuyến huyện, tỉnh đã lên 40-45 người/bàn/ngày, không thể yêu cầu người bệnh ngày mai quay lại. Trong khi đó, các BV chưa thể ngay lập tức mở thêm bàn khám, điều thêm bác sĩ.

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, ở nước ngoài mỗi bác sĩ chỉ khám 20-30 bệnh nhân nhờ đặt lịch hẹn giờ, trong khi người dân Việt Nam chưa quen với hình thức này. Bộ đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thay đổi dần thói quen này.

Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)