Đầu tháng 2 vừa qua, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ Xây dựng và Bộ Công an đề xuất giải pháp khắc phục các tồn tại, vi phạm quy định PCCC trong đầu tư xây dựng đối với công trình nhà chung cư cao tầng trong TP.
Xây xong mới đi thẩm duyệt PCCC
Theo đó, Hà Nội có 1.075 công trình, chung cư cao tầng. Sau một thời gian triển khai các biện pháp an toàn về PCCC, vẫn còn 17 chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC và được liệt vào danh sách những chung cư không có khả năng khắc phục để đạt tới quy chuẩn PCCC hiện hành.
Cụ thể, KĐT Xa La (Hà Đông) gồm 4 tòa CT1, CT2, CT3, CT4 và tòa trung tâm thương mại. Quận Đống Đa có tháp B văn phòng thuộc tòa nhà hỗn hợp HH1 (ngõ 102 Trường Chinh, phường Phương Mai); quận Thanh Xuân có chung cư số 76 phố Cự Lộc (Khương Đình), tòa nhà số 88 Tô Vĩnh Diện. Quận Long Biên gồm 2 tòa chung cư mini ngõ 193 phố Bồ Đề (phường Bồ Đề), nhà cho cán bộ công an huyện Gia Lâm (phường Thượng Thanh)…
Vi phạm chủ yếu của các công trình này là về hệ thống thoát hiểm, cầu thang bộ, hệ thống báo cháy, vị trí nằm sâu trong khu dân cư, xe cứu hỏa khó tiếp cận khi xảy ra hỏa hoạn.
Những công trình trên đã được thi công ổn định về kết cấu, kiến trúc, đã rao bán và đưa vào sử dụng, khi đó chủ đầu tư mới đi thẩm duyệt về an toàn PCCC dẫn đến các yêu cầu như: Giao thông phục vụ chữa cháy, hệ thống thang thoát hiểm, thang bộ kín, hệ thống tụ khói... không có khả năng thực hiện tại thời điểm này.
Tòa chung cư CT1, CT2, CT3 KĐT Xa La vẫn còn tồn tại về lối thoát nạn, về quy chuẩn đóng kín buồng thang bộ bằng tường ngăn cháy. Phía ngoài các tòa nhà chưa được lắp đặt hệ thống thang thoát hiểm.
Tại các tầng hầm, hệ thống bình cứu hỏa bị ngăn cách bằng hàng dài các xe máy, một số vật dụng xếp chồng, ngăn cản các lối thoát hiểm.
Đặc biệt, tại khu vực tầng 1 tòa nhà CT4 (KĐT Xa La), nhiều sạp hàng bán đồ ăn thường xuyên sử dụng vật liệu dễ gây cháy nổ như bình gas, than tổ ong, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Mặc dù được trang bị hệ thống chữa cháy tại chỗ, tuy nhiên, hộp cứu hỏa bị han gỉ, bị kẻ xấu lấy trộm bình cứu hỏa, người dân trưng dụng hộp cứu hỏa để đựng các vật dụng sinh hoạt.
Tòa chung cư mini số 76 Cự Lộc (quận Thanh Xuân) do nằm sâu trong khu dân cư, xe cứu hỏa khó tiếp cận hoặc không có đường quay đầu nếu xảy ra hỏa hoạn. Ngoài ra, hệ thống thang bộ không đảm bảo an toàn trong trường hợp khẩn cấp do không đảm bảo chiều rộng tối thiếu của vế thang, bậc thang.
Không ngủ vì lo
Sống trong các chung cư không đảm bảo các quy định về PCCC, nhiều cư dân bày tỏ sự lo lắng, hoang mang khi thấy tần suất các vụ cháy ở các chung cư ngày một nhiều, để lại hậu quả khủng khiếp.
Bà Thảo, cư dân chung cư CT4 (KĐT Xa La) bày tỏ: Vụ cháy năm 2015 thiêu rụi hàng chục xe máy ở tầng hầm, nhiều người mắc kẹt, từ đó, gia đình bà và các cư dân sống tại đây luôn nơm nớp lo sợ hệ thống chữa cháy không đảm bảo.
"Chúng tôi chỉ biết kiến nghị BQL và chủ đầu tư khắc phục chứ không biết làm gì hơn, cũng không thể chuyển đi chỗ khác".
Một người dân sống tại tòa nhà số 76 Cự Lộc (quận Thanh Xuân) tâm sự: "Nghe tin về các vụ cháy liên tiếp xảy ra ở chung cư, có đêm tôi không chợp mắt được vì lo. Mặc dù chủ nhà đã lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tại chỗ, nhưng ngõ nhỏ, đường hẹp khi xảy ra cháy không biết cứu hỏa kiểu gì".
Đặc biệt, cư dân ở chung cư CT5A (KĐT Văn Khê, Hà Đông) bức xúc khi mới đây có vụ hỏa hoạn ở tầng 21 nhưng hệ thống báo cháy không hề hoạt động. Khi nghe tiếng xe cứu hỏa rú còi dưới sảnh thì mới bồng bế nhau chạy nạn.
UBND TP Hà Nội vạch ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây xong mới khắc phục quy định an toàn PCCC như: Giai đoạn trước năm 2011, nhận thức và ý thức chấp hành về an toàn PCCC của chủ đầu tư còn yếu kém; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thẩm định, cấp phép xây dựng, thẩm duyệt thiết kế về PCCC còn hạn chế.
Mới đây, trao đổi tại cuộc giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội tại quận Bắc Từ Liêm về việc thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư, PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, để đưa quản lý chung cư đúng “đường ray” pháp luật thì trách nhiệm đầu tiên là của chủ đầu tư, tiếp đến là chính quyền địa phương phải sát sao, chỉ đạo, thanh kiểm tra xử lý những tồn tại, vi phạm.
Theo Đoàn Bổng (VietNamNet)