Phát biểu tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 3/4, thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho hay, việc quản lý chung cư mini hiện nay còn những khoảng trống pháp lý, gây ra nhiều bất cập.
"Hệ thống quản lý của cơ quan nhà nước với loại hình chung cư mini đang có sơ hở từ khâu thủ tục cấp phép xây dựng, đến khi đưa vào hoạt động, cho thuê, bán", tướng Định nói. Chung cư mini giá rẻ và thường được xây dựng tại các quận nên hấp dẫn người mua, nhưng loại nhà này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, công tác đảm bảo an toàn PCCC rất hạn chế.
"Với chung cư mini, tôi mong muốn cơ quan truyền thông tuyên tuyền, cảnh báo cho người dân hiểu, tẩy chay, không nên mua, không nên sử dụng", tướng Định nói.
Hà Nội còn 29 chung cư vi phạm PCCC
Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hoàng Quốc Định cho hay, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên công khai danh sách chung cư vi phạm PCCC. Giữa năm 2017, thành phố công bố 79 chung cư vi phạm và hầu hết đã đưa người dân vào ở. Thành phố đã mời chủ đầu tư, lãnh đạo các quận, huyện có chung cư vi phạm lên, yêu cầu khắc phục xong tồn tại trước ngày 28/2/2018.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC cho rằng, quá trình khắc phục có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến quá thời hạn trên vẫn còn nhiều công trình chưa làm xong. "Đến ngày 2/4, 50 trên tổng số 79 chung cư vi phạm đã khắc phục xong, được nghiệm thu về PCCC và cho phép đưa vào sử dụng, còn 29 công trình tiếp tục khắc phục và đưa ra các giải pháp thay thế", ông Định nêu.
Theo tướng Định, trong 29 chung cư vi phạm PCCC, có 15 công trình khó có khả năng khắc phục, Sở đã có văn bản gửi các chủ đầu tư yêu cầu có biện pháp và báo cáo Cục Cảnh sát PCCC để hướng dẫn cụ thể. Với 14 chung cư có khả năng tự khắc phục, cơ quan chức năng đang đôn đốc, giám sát chủ đầu tư thực hiện.
Chuyển hồ sơ 3 chung cư sang cơ quan điều tra
Trả lời câu hỏi về việc thành phố có văn bản đề nghị hạ chuẩn PCCC cho 17 chung cư vi phạm, tướng Định cho hay, đây là những chung cư khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn hiện hành, do đó Sở tham mưu thành phố đề nghị cơ quan trung ương cho phép thay thế bằng những giải pháp PCCC khác.
"Đây không phải hạ mức tiêu chuẩn, quy chuẩn mà là thay thế bằng các giải pháp khác tương xứng, thậm chí có thể tăng cao hơn, góc độ chuyên môn kỹ thuật liên quan đến PCCC có thể chấp nhận được", tướng Định giải thích.
Cũng theo Giám đốc cảnh sát PCCC Hà Nội, Sở đã chuyển hồ sơ 3 chung cư sang cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý các lỗi vi phạm. Đó là tòa nhà CT4 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông) do Công ty Cổ phần Sông Đà 1 làm chủ đầu tư và chung cư CT5A, B và CT6 ở Văn Khê do Công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư.
Thống kê của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, tính cả năm 2017 và quý 1/2018, toàn thành phố xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ, khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại ước tính 600 tỷ đồng. Trong đó, có 87 vụ cháy chung cư nhưng chủ yếu cháy nhỏ, được xử lý kịp thời nên không gây hậu quả lớn.
Địa bàn cháy tập trung ở các quận nội thành và ở các doanh nghiệp tư nhân, nhà dân. Số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản chỉ chiếm 2-3% nhưng thiệt hại chiếm đến 90%.
Nguyên nhân các vụ cháy được Sở Cảnh sát PCCC đưa ra khoảng 65% do điện.
Theo Võ Hải (VnExpress.net)