Địa Ngục Tự nằm sâu trong vườn quốc gia Tam Đảo. Khác với nhiều ngôi chùa ở Việt Nam có kiến trúc độc đáo, hoành tráng, chùa Địa Ngục toát lên sự hoang sơ, âm u và hoang vắng đến rùng rợn.
Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Địa Ngục được sư thầy Thích Thanh Toàn và một nhóm người phát hiện vào năm 2008. Cụ thể, sau một đêm nằm mơ thấy đốm sáng trong rừng Tam Đảo, sư thầy Thích Thanh Toàn cùng với một nhóm người đi vào rừng theo lối chùa Tây Thiên để tìm kiếm nơi nằm mơ thấy. Sau nhiều ngày tìm kiếm trong rừng, cuối cùng sư thầy Thích Thanh Toàn tìm thấy dấu tích của chùa Địa Ngục. Khi ấy, ngôi chùa chỉ còn lại nền móng.
Kể từ khi phát hiện đến nay, sư thầy Thích Thanh Toàn một tháng hai lần vào thỉnh kinh. Công việc trông nom ngôi chùa, lo nhang khói chủ yếu do những người làm công quả phụ trách.
Một người làm công quả ở ngôi chùa này cho biết chuông chùa Địa Ngục vang lên 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng sớm và chiều. Chuông chùa có trọng lượng khoảng 2,2 tấn.
Không ai biết chùa Địa Ngục có từ khi nào. Các chuyên gia tìm thấy một số tài liệu, sách cổ đề cập đến ngôi chùa này. Trong đó, sách "Kiến văn Tiểu lục" của nhà sử học Lê Quý Đôn có những mô tả về Địa Ngục tự như sau: “Chùa vuông vắn, phỏng hơn một trượng, tường nhà toàn bằng đá, cánh cửa hai bên khóa chặt lại bằng khóa sắt bên trên có viên đá khắc chữ triện là: “Địa ngục tự” (chùa địa ngục) không biết xây dựng từ thời nào?”.
Thích Kiến Nguyệt - tác giả tài liệu "Tây Thiên - Chiếc nôi của Phật Giáo Việt Nam" cũng có ghi chép về ngôi chùa này. Vị tác giả này viết rằng, chùa Địa Ngục là một trong những chùa cổ nhất của thiền phái Tây Thiên tại Việt Nam.
Một số huyền sử cho rằng chùa Địa Ngục ở Tam Đảo có từ những năm 43 thời Lĩnh Nam. Theo một số ghi chép, chùa Địa Ngục có 7 tòa tháp nhỏ bằng đá. Tuy nhiên, ngôi chùa hiện chỉ còn 4 tòa tháp.
Do vậy, cho đến nay, không ai có thể lý giải chính xác thời điểm chùa Địa Ngục được xây dựng cũng như bị bỏ hoang phế từ khi nào.
Theo Tâm Anh (Kienthuc.net.vn)