Ngày 9/1, đưa xe đến Trung tâm đăng kiểm 2901V (Mỹ Đình, Hà Nội), sau 8 giờ chờ đợi, xe của anh Hải (Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) được đưa vào dây chuyền kiểm định. Nộp lệ phí đăng kiểm, hơn hai tiếng sau, anh được thông báo xe mắc lỗi “độ đèn”. Người đàn ông này phải quay xe.
Trưa 10/1, sau khi sửa xe xong, anh quay lại để tiếp tục làm đăng kiểm. Đến nơi, trung tâm đã đóng cửa không hoạt động.
“Không giải quyết bây giờ, chờ nhé”, là câu mà anh Hải nhận được từ bảo vệ, công an trực từ cổng gác nói vọng ra. Xe không đăng kiểm được, giấy tờ xe cũng “kẹt” luôn ở đó. Anh Hải thất vọng quay về.
Nghĩ sau 1-2 ngày sẽ được giải quyết nhưng đến ngày 15/1, anh đến trung tâm nhận lại hồ sơ song cũng không có kết quả.
“Cửa trung tâm đóng im ỉm, không một bóng người, chẳng ai cho tôi một câu trả lời rõ ràng. Bảo vệ thì cũng chỉ biết nói chờ - mà chờ đến bao giờ thì cũng không biết. Thực sự là mệt mỏi, xe tôi đến 17/1 là hết hạn kiểm định. Vậy mà đến nay giấy tờ vẫn chưa lấy được. Bây giờ mà lưu thông dễ dính phạt lắm”, anh Hải bức xúc.
Tâm trạng lo lắng không kiểm định được xe của anh Hải cũng giống như nhiều tài xế khác. Oái oăm hơn, có những trường hợp mua xe mới nhưng đến giờ vẫn chưa thể kiểm định xong.
Anh Trung (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, nhà có thêm người, anh quyết định đổi sang xe 7 chỗ. Đặt xe khá lâu mới được giao, đến khi nhận xe thì lại chưa thể đăng kiểm được.
Anh lo lắng, xe không đăng kiểm được thì Tết này ngang “trói chân” vì cả nhà di chuyển khá nhiều giữa hai quê nội, ngoại. Mà cố tình đưa xe ra đường thì sợ công an phạt.
Vậy mức xử phạt đối với xe không đăng kiểm được quy định ra sao?
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, đăng kiểm xe là một hình thức do cơ quan chuyên ngành kiểm định về chất lượng xe có đảm bảo chất lượng hay không.
Mục đích quan trọng nhất của việc đăng kiểm đó là kiểm tra mức độ và ngưỡng an toàn của phương tiện vận tải. Điều này cũng nhằm giúp giảm tránh gây rủi ro trong quá trình lưu thông trên đường trường cho tất cả mọi người. Đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với chính mình cũng như cho những người xung quanh.
Luật sư Doãn Hùng viện dẫn, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, trường hợp ô tô quá hạn đăng kiểm, dù chỉ một ngày cũng có thể bị phạt hành chính từ 2 triệu đồng. Nếu là xe của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thì tổng mức phạt có thể lên tới 22 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. Trường hợp ô tô quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng, mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển xe sẽ lên đến từ 4-6 triệu đồng theo quy định tại điểm e, khoản 5, điều 16 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
“Như vậy, với những xe quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng, cả lái xe và chủ xe có thể bị phạt tổng cộng lên tới 22 triệu đồng. Mức phạt hành chính cao, cộng với việc bị tước giấy phép lái xe đến 3 tháng là rất nặng. Vì vậy các tài xế, chủ xe cần chú ý theo dõi chu kỳ đăng kiểm phương tiện của mình để tránh bị quá hạn”, luật sư Nguyễn Doãn Hùng lưu ý.
Trước tình thế này, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo người dân nếu tiện đường về quê, đi công tác, du lịch thì có thể đưa xe vào trung tâm đăng kiểm ở bất kỳ địa phương nào để kiểm định. Việc này giúp giảm tải cho các trung tâm tại thành phố lớn, người dân cũng không phải xếp hàng chờ đợi tại các trung tâm ở nội đô.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VietNamNet liệu các trung tâm tạm thời bị đóng cửa ở Hà Nội có kịp mở lại trước Tết phục vụ nhu cầu của người dân, ông An cho biết “khả năng không kịp, vì chỉ còn 2 ngày làm việc là nghỉ”.
Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết vẫn luôn bám sát tình hình để có phương án phù hợp với mục tiêu phục vụ người dân tốt nhất. Trước mắt, các trung tâm vẫn duy trì làm thêm ca, thêm giờ, phục vụ cả ngày nghỉ.
“Đến ngày 28 Tết mà lượng lớn xe chưa kiểm định vẫn còn thì chúng tôi sẽ cân nhắc”, ông An cho hay.
Theo N. Huyền (VIetNamNet)