Đi tiêm vắc xin phòng Covid-19, vài ngày sau thành F0: Người dân lo lắng bệnh nặng lên, chuyên gia giải đáp

27/08/2021 05:59:47

Theo các bác sĩ khi có nhiều bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng thì bất cứ ai cũng có thể trở thành F0. Việc tiêm vắc xin xong trở thành F0 sẽ không làm bệnh nặng lên.

BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - cho biết thời gian qua ông cũng nhận được rất nhiều ý kiến của F0 xin hỗ trợ trong đó có nhiều người chia sẻ họ dương tính sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Nhiều người tỏ ý lo ngại về việc thành F0 sau khi tiêm vắc xin có khiến bệnh nặng lên không?

Theo bác sĩ Khanh, khi tiêm vắc xin vào cơ thể hoàn toàn không ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm vì không phải là tiêm vắc xin có chứa virus sống vào nên kết quả xét nghiệm dương tính.

Trường hợp dương tính sau tiêm vắc xin là do nhiễm bệnh trước đó nhưng chưa có biểu hiện bệnh và cũng có thể là lây nhiễm trong khi đi tiêm vắc xin nếu người đi tiêm không tuân thủ đúng 5K.

Hiện nay ở TP.HCM một vài cơ sở y tế yêu cầu xét nghiệm Covid-19 trước khi tiêm vắc xin. Còn tiêm ở ngoài cộng đồng thì không cần xét nghiệm trước khi tiêm vắc xin.

Đi tiêm vắc xin phòng Covid-19, vài ngày sau thành F0: Người dân lo lắng bệnh nặng lên, chuyên gia giải đáp
Sau tiêm vắc xin vài ngày nếu mắc Covid-19 sẽ không làm bệnh nặng lên

BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng, Sở Y tế TP.HCM - cho biết, người dân không nên quá lo lắng sau tiêm vắc xin về lại dương tính hoặc sợ mắc bệnh nên không dám đến tiêm vắc xin. Chỉ cần người dân tuân thủ hướng dẫn tại điểm tiêm vắc xin là đủ.

Ngoài ra, Sở Y tế không khuyến cáo phải xét nghiệm trước khi tiêm nhưng khuyến khích người dân nên xét nghiệm trước khi tiêm. Xét nghiệm trước tiêm không phải lo sợ tác dụng của vắc xin mà để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh ở điểm tiêm.

Khi tiêm vắc xin về vài ngày sau phát hiện mình dương tính người bệnh cũng không nên lo lắng.

Theo BS Trần Hải Ninh - BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương Hà Nội, hiện tại Bộ Y tế Việt Nam chưa khuyến cáo phải làm xét nghiệm Covid-19 trước tiêm vắc xin.

Tuy nhiên, trong quá trình khám sàng lọc trước tiêm có thể phát hiện các trường hợp cần thận trọng trong tiêm chủng, bao gồm những người có thân nhiệt trên 37,5 độ hoặc những người có nhịp thở trên 25 lần/phút.

Khuyến cáo của các nhà sản xuất vắc xin cũng không ghi nhận thông tin tiêm vắc xin cho người đang nhiễm bệnh Covid-19 thì nguy cơ làm bệnh nặng thêm hay dẫn tới tử vong.

BS Ninh cho biết dịch Covid-19 mới xuất hiện trong chưa tới 2 năm qua và còn rất nhiều điều chúng ta chưa hiểu rõ về dịch bệnh. Vì vậy, nên tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin và cơ quan y tế để có thể đảm bảo an toàn tối đa khi thực hiện tiêm chủng.

Bác sĩ Khanh cũng lưu ý, khi người tiêm xong vài ngày sau phát hiện dương tính cần bình tĩnh không nên quá lo lắng, vắc xin không làm bệnh nặng lên. Người bệnh vẫn theo dõi tự cách ly tại nhà như hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao chuyển nặng như có bệnh nền, trên 65 tuổi cần liên hệ với bác sĩ để có thể hỗ trợ người bệnh.

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin, các phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin, bao gồm: tại chỗ tiêm (sưng, mẩn đỏ, đau), toàn thân (mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, tiêu chảy). Những tác dụng phụ này thường xuất hiện sau tiêm 1 - 2 ngày và kéo dài trong 2 - 3 ngày.

Với điều kiện ở TP.HCM như hiện nay bác sĩ Khanh khuyên cáo nếu sau thời gian 2, 3 ngày người tiêm còn triệu chứng ho, sốt thì bạn nên xét nghiệm Covid-19.

Tốt nhất bạn vẫn nên tự cách ly, tiếp tục theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện sốt cao, mệt nhiều, đau tức ngực, khó thở, thở nhanh... thì cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị phù hợp.

Theo NAnh (Doanh Nghiêp & Tiếp Thị)