Anh Phan Thành Tâm, một doanh nhân ở TP.HCM thường đi Hà Nội công tác, kể: Do nhu cầu công việc, anh thường đi nhậu hoặc ăn uống khuya ở các khu vực trong trung tâm thành phố cùng bạn bè.
Tuy nhiên, không ít lần anh bị chủ quán xua từ bàn ăn trước nhà vào bên trong rồi kéo cửa sắt kín mít, dù tô phở còn dang dở. Chủ quán phân bua, đã tới 0 giờ, thời gian Hà Nội buộc tất cả các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, không phục vụ khách. “Có hôm đang ăn thì xe của phường chạy tới, loa phóng thanh phát ra ồn ào, khách phải vội vã giải tán, hoặc trốn vào trong nhà. Khách du lịch đi ăn khuya mà giống như… ăn cướp, vậy sao phát triển du lịch được”, anh Tâm than thở.
Đừng bắt du khách đi ngủ sớm
Du khách chơi đêm tại phố Tây Phạm Ngũ Lão, TP.HCM. |
Đừng bắt du khách đi ngủ sớm
Trên nhiều diễn đàn du lịch thế giới, du khách nước ngoài đều cho rằng Hà Nội chẳng có gì chơi vào ban đêm. “Hà Nội chẳng phải là nơi có cuộc sống sôi động về đêm. Du khách đến đây có thể loanh quanh ở khu vực phố cổ để mua đồ, nhưng lưu ý chỉ mở cửa tới 21 giờ hoặc dạo chợ đêm tối cuối tuần”, một du khách nước ngoài viết. Phần đông du khách đều thừa nhận, Hà Nội ban đêm… rất chán. Nguyên nhân cuộc sống về đêm ở Hà Nội không thu hút du khách chủ yếu xuất phát từ quy định ngặt nghèo của địa phương khi cấm các khu vui chơi hoạt động sau 24 giờ.
Còn ở TP.HCM và các điểm đến nổi tiếng khác ở VN thì chịu sự chi phối của Nghị định 167/2010 của Chính phủ, không được tổ chức kinh doanh, ăn uống... gây ồn ào từ 22 giờ đến 6 giờ sáng. Thậm chí, năm 2014, từng xuất hiện đề xuất của CSGT về việc cấm bán rượu, bia sau 23 giờ nhằm giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị dư luận phản ứng và sau đó UBND TP.HCM bác bỏ.
Phát biểu với báo chí tại hội nghị về du lịch toàn quốc vừa diễn ra tại Hội An (Quảng Nam), Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ rà soát để cho du khách vui chơi sau 0 giờ. Cam kết của ông Chung nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp du lịch.
Ông Trần Văn Trường, Tổng giám đốc Công ty du lịch VYC, nhận xét: “Chỉ có những quốc gia bất ổn về an ninh trật tự mới quy định “giờ giới nghiêm”, còn VN không có vấn đề gì để giới hạn thời điểm kinh doanh, vui chơi giải trí của người dân, du khách vào ban đêm cả. Tại Singapore, các dịch vụ dành cho du khách mở cửa rất khuya và áp dụng phương án tăng thuế sau 24 giờ. Ở đây, các điểm vui chơi giải trí về đêm rất đa dạng, từ khu Clarke Quay tại trung tâm đến Night Safari (vườn thú đêm) xa xôi”.
Theo nhiều chuyên gia, vui chơi giải trí ban đêm cực kỳ quan trọng trong kinh doanh du lịch. Chuyên gia về du lịch Nguyễn Tuấn Quyền cho hay: “Một đoàn khách đến VN, tiền mua tour sẽ được chia cho công ty du lịch nước ngoài và công ty du lịch ở VN. Tuy nhiên, nếu du khách vui chơi giải trí vào ban đêm, số ngoại tệ họ chi tiêu ở VN sẽ hoàn toàn thuộc về VN. Hơn nữa, trong khi bữa tối theo tour giá chỉ chừng 10 USD/người, thì việc họ chi tiêu trong đêm có thể cao gấp nhiều lần, lên 100 - 200 USD/người”.
Khai thác túi tiền khách Trung Quốc
Trong khi nhiều người, nhiều địa phương có tâm lý “ngán” du khách Trung Quốc thì theo các chuyên gia kinh tế, đây là một “kênh” kinh tế du lịch cực kỳ hiệu quả nếu chúng ta biết khai thác.
Theo ông Từ Quý Thành, Tổng giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, khách Trung Quốc du lịch VN thuộc đối tượng chi tiêu cao, ở khách sạn hạng sang, thích mua sắm và lưu trú dài ngày. Đặc biệt, họ chuộng nông sản VN như cà phê, hạt điều; hàng thủ công mỹ nghệ, điêu khắc gỗ; gần đây còn tìm mua nệm cao su thiên nhiên… Vì thế, cần chủ động khai thác túi tiền của khách, bằng cách đáp ứng được lượng hàng, cung cấp thông tin cần thiết về các cửa hàng…
Ông Thành dẫn chứng, dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, khách Trung Quốc du lịch Nhật Bản đã chi tới 670 triệu nhân dân tệ (hơn 100 triệu USD) mua bồn cầu “thông minh”. Trước đó năm 2015, du khách Trung Quốc chi số tiền khủng khiếp 215 tỉ USD khi đi du lịch ở nước ngoài. Năm 2014 khoảng 164 tỉ USD. Sắp tới, lượng khách Trung Quốc vào TP.HCM sẽ tăng mạnh. Vì thế, ngành du lịch bên cạnh việc tăng cường quản lý, cũng phải chuẩn bị phương án để họ chi tiêu, qua đó tăng khả năng xuất khẩu tại chỗ.
Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất hiện nay là thiếu đội ngũ hướng dẫn viên (HDV). Trong số 9.920 HDV quốc tế chỉ có 1.586 HDV nói tiếng Hoa. Ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng Viễn Du, thừa nhận thiếu HDV cộng với quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng dẫn tới tình trạng nhiều người từ Trung Quốc đến VN hành nghề HDV, dù pháp luật VN tuyệt đối cấm. Đây cũng là quy định chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới, khi người nước ngoài không được phép hành nghề HDV ở nước sở tại. “Để bổ sung nguồn HDV, qua đó hạn chế được HDV người Trung Quốc hoạt động chui ở VN, trước mắt các hiệp hội du lịch cần khẩn trương đề xuất cấp thẻ HDV tạm thời cho người Việt gốc Hoa làm HDV. Có rất nhiều người Việt gốc Hoa giỏi ngôn ngữ, muốn làm HDV, nhưng lại vướng quy định của luật là HDV quốc tế phải có bằng đại học. Nếu được chấp nhận, lực lượng này sẽ tham gia khóa học ngắn hạn về nghiệp vụ hướng dẫn, văn hóa lịch sử… và được cấp chứng nhận để có thẻ tạm trong thời hạn 2 hoặc 3 năm, sau đó sẽ kiểm tra năng lực và gia hạn”, ông Lộc gợi ý.
Theo ông, điều này không chỉ giới hạn đối với tiếng Hoa, mà còn có thể mở rộng cho các ngôn ngữ hiếm khác, chẳng hạn người Việt giỏi tiếng Hàn sau quá trình hợp tác lao động về nước, nhưng không đáp ứng đủ bằng cấp để trở thành HDV. Tại Malaysia, mới đây ngành du lịch nước này đã chấp nhận phương án tương tự, vì làn sóng khách Trung Quốc ngày càng đông.
Kinh nghiệm Thái Lan Ông Trần Văn Trường cho biết các quốc gia đã linh động giải quyết vấn nạn thiếu HDV. Chẳng hạn ở Thái Lan, thẻ HDV quốc tế được chia làm nhiều loại, trong đó có thẻ vùng, chỉ dành cho các HDV hoạt động trong một khu vực hay địa phương cụ thể, với điều kiện được nới lỏng là không cần bằng đại học vẫn có thể lấy thẻ. Các HDV người Thái gốc Việt có loại thẻ này khá đông, nói giỏi tiếng Việt dù không giỏi đọc, viết. Dĩ nhiên, muốn lấy thẻ phải trải qua 3 tháng bồi dưỡng nghiệp vụ. VN nên nghiên cứu cách làm của Thái Lan. |
Nếu du khách vui chơi giải trí vào ban đêm, số ngoại tệ họ chi tiêu ở VN sẽ hoàn toàn thuộc về VN. Hơn nữa, trong khi bữa tối theo tour giá chỉ chừng 10 USD/người, thì việc họ chi tiêu trong đêm có thể cao gấp nhiều lần, lên 100 - 200 USD/người. Chuyên gia về du lịch Nguyễn Tuấn Quyền |
Theo N.Trần Tâm (Thanh Niên Online)