Đề xuất xử lý hình sự nếu nhận hối lộ 5 triệu đồng trở lên

26/03/2015 09:45:06

Thảo luận về một số định hướng cơ bản của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tại Hội thảo do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 25/3, các đại biểu tán thành ...

Thảo luận về một số định hướng cơ bản của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tại Hội thảo do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 25/3, các đại biểu tán thành đề xuất bỏ tội danh kinh doanh trái phép và nhận hối lộ từ 5 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự.
 
Trước đó, ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho hay, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, người nào tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ… có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự, phạt tù. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Ban soạn thảo Dự thảo luật đề xuất điều chỉnh mức tiền có thể bị xử lý hình sự đối với các tội danh trên từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ áp dụng đối với một số tội danh tham nhũng.

Đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Dự thảo luật cũng đề xuất bỏ hai tội danh là tội kinh doanh trái phép và tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế. Đồng thời cụ thể hóa và bổ sung thêm các tội danh liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể để thay thế cho tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trong tham luận gửi đến Hội thảo, Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng, để bảo đảm tính phòng ngừa, tránh bỏ lọt tội phạm nên giữ lại quy định về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi theo thống kê trong những năm gần đây có không ít các bị cáo bị kết án về tội này là cán bộ, đảng viên. Nay nếu bỏ ngay tội danh trên thì dư luận có thể sẽ cho rằng nhà làm luật cố tình bao che cho hành vi sai phạm của cán bộ, công chức đảng viên. 

Tại Hội thảo nhiều ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn với việc Dự thảo luật đề xuất cho phép thay thế hình phạt tù bằng tiền. Ý kiến này cho rằng quy định trên chỉ có lợi cho người giàu, người có tiền, còn người nghèo, không có tiền nộp phạt thì sẽ bị chuyển thành án phạt tù.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự (Bộ Tư pháp) cho hay, trong nhiều vụ việc tòa đã áp dụng biện pháp phạt tiền đối với một số hành vi phạm tội. Nhưng trong quá trình thi hành hình phạt có không ít trường hợp cố tình không thi hành, chây ì không nộp tiền phạt, thậm chí còn tìm cách tẩu tán tài sản, làm cho cơ quan thi hành án không thi hành được bản án phạt tiền. Do đó, khi xây dựng Dự thảo luật Bộ luật Hình sự có nhiều ý kiến từ các bộ, ngành, chính quyền địa phương đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định để tăng tính cưỡng chế với loại hình phạt này.

Theo Văn Kiên (Tiền Phong)