Báo Dân Trí đưa tin, tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự kiến góp ý lần đầu vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Cụ thể, tại Điều 9 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định: Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ.
Ngoài ra, trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em".
So với dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ hồi năm 2020, dự thảo Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm nay đã giảm 2 tuổi trong quy định cấm để trẻ em ngồi hàng ghế trước trên ô tô.
Theo báo Tuổi Trẻ, thực tế ở khắp nơi cho thấy không khó để bắt gặp cảnh cha mẹ cho con nhỏ ngồi ở ghế trước ô tô khi xe đang chạy. Nếu dự thảo Luật trên được chính thức thông qua, thì thói quen này sẽ phải thay đổi.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy trẻ em còn nhỏ được ngồi hàng ghế phía sau và trong ghế an toàn cho trẻ em có thể giảm tới 60% nguy cơ thương tích và tử vong trong các vụ tai nạn giao thông.
Khi để trẻ em ngồi ghế phụ phía trước, trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí có thể bung ra với vận tốc lên tới 300 km/h. Cơ thể người trưởng thành có thể chịu được lực tác động này, nhưng cơ thể trẻ nhỏ có phần lưng và cổ rất yếu nên dễ bị tổn thương.
Trẻ nhỏ cũng có tỉ lệ đầu lớn so với cơ thể nên khó giữ thăng bằng hơn người trưởng thành nên trẻ nhỏ dễ bị sai tư thế vào thời điểm túi khí bung ra nên có thể bị chấn thương nghiêm trọng. Dây đai an toàn vừa vặn với người lớn, trẻ có thể bị lọt ra ngoài, thậm chí bị lao về phía trước nếu có tai nạn xảy ra.
Ở các quốc gia phát triển, 90% cha mẹ thường xuyên sử dụng ghế an toàn cho trẻ nhưng ở châu Á nói chung tỉ lệ này chưa đến 5%. Bộ Công an đã đưa nội dung này vào dự thảo luật nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ em trên ô tô.
Trẻ nhỏ ngồi ở vị trí nào trên ô tô là an toàn nhất?
Nhiều cuộc thử nghiệm va chạm đã cho thấy, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi ngồi trên ghế dành riêng, lắp quay mặt về phía sau và lắp ở hàng ghế sau sẽ được bảo vệ tốt nhất, ngay cả khi xảy ra va chạm từ phía sau. Trẻ nên được đặt ngồi như vậy càng lâu càng tốt, hoặc ít nhất là cho tới khi trẻ đủ 2 tuổi, hoặc khi trẻ có chiều cao và cân nặng không còn thoải mái khi ngồi quay về phía sau.
Khi trẻ đủ lớn, có thể cho ngồi trên ghế dành riêng, lắp quay mặt về phía trước, nhưng vẫn phải ở hàng ghế sau.
Với trẻ 5-6 tuổi hoặc đủ chiều cao, cân nặng (tùy quy định của từng nước - thường là 20kg), thì có thể sử dụng lại ghế nâng đơn giản, không cần dựa lưng ôm trọn thân trên của trẻ (như trong ảnh dưới).
Thông thường, trẻ em cần sử dụng ghế nâng cho đến khi đạt chiều cao tối thiểu 145 cm, và từ 8 đến 12 tuổi. Đó là khi có thể dùng dây an toàn của xe. Đồng thời, khi đó, bộ xương của trẻ cũng đã phát triển hoàn thiện, cứng hơn và có thể chịu được áp lực từ dây an toàn khi xe phanh đột ngột hoặc xảy ra va chạm.
Tạp chí tiêu dùng uy tín Consumer Reports của Mỹ cho biết, vị trí an toàn nhất dành cho trẻ em dưới 12 tuổi là ở ghế sau.
NT (SHTT)