Tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội ngày 3/11, Bộ Nội vụ cho rằng đề xuất nêu trên nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Chủ trương xử lý phân loại cán bộ sai phạm để xử lý theo tinh thần nói trên, có thể kể đến điển hình là vụ đại án Việt Á. Theo đó, chủ trương xử lý chia ra làm 3 trường hợp. Theo đó, xử lý nghiêm minh đối với nhóm cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, can thiệp, tác động tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong đấu thầu, mua sắm thuốc, mua trang thiết bị vật tư y tế gây hậu quả rất nghiêm trọng; thông đồng, hợp thức hóa hồ sơ mua sắm, đấu thầu vì mục đích tư lợi, vì mục đích cá nhân...
Cơ quan chức năng xem xét giảm nhẹ đối với các trường hợp vi phạm các quy định xảy ra trong trường hợp cấp bách và hướng dẫn của cấp trên chưa kịp thời, chưa đầy đủ, đồng thời không có hành vi vụ lợi hay động cơ cá nhân khác.
Ngoài ra, miễn kỉ luật với nhóm đối tượng có vi phạm trong bối cảnh phòng chống dịch cấp bách, không vụ lợi hoặc không có động cơ cá nhân và gây hậu quả ít nghiêm trọng; những đảng viên không giữ chức vụ nhưng thực hiện chức trách, nhiệm vụ do cấp trên giao.
Có thể nói, chủ trương này vừa đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật nhưng vẫn thể hiện tính nhân văn, khoan hồng. Những người thứ yếu, phụ thuộc, thực hiện theo mệnh lệnh, không có động cơ vụ lợi trong vụ án sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng không phải chịu trách nhiệm dân sự.
Ngoài kiến nghị trên, Bộ Nội vụ nêu hàng loạt giải pháp nhằm khắc phục tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc. Cán bộ, công chức phải có tự trọng, bản lĩnh, xóa bỏ nhận thức không làm thì không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử. Người sợ sai được xem là "tự diễn biến, cản trở nghiêm trọng phát triển".
Cuối tháng 9, Chính phủ ban hành nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Theo đó, cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo được đánh giá là hoàn thành thì không bị xử lý trách nhiệm pháp luật. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, thì được loại trừ trách nhiệm pháp luật.
Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây thiệt hại, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung cũng được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Tuy nhiên, để bảo đảm pháp chế được thực hiện thống nhất, cần ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, đáp ứng các yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và tạo hành lang pháp lý an toàn và điều kiện cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ nhằm xây dựng, phát triển đất nước.
Cùng với đó, cần nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung.
Ngoài ra, phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; Bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.
Một yếu tố quan trọng khác là phải nâng cao được trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan trong việc xây dựng pháp luật, giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất những quy định pháp luật còn vướng mắc trong nhận thức giữa các cơ quan, đơn vị trong thực thi pháp luật, thực hiện nhiệm vụ.
Bởi với một quy định, nhưng nếu cách hiểu không thống nhất, chắc chắn sẽ dẫn đến những quyết định rất khác nhau.
HL (SHTT)