Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với đề xuất liên thông đội ngũ cán bộ, công chức từ xã lên tỉnh và thống nhất một chế độ công vụ. Bà nhấn mạnh đây là bước cải cách cần thiết và đúng hướng. Theo bà Nga, cán bộ cấp xã hiện đang đứng ngoài hệ thống công vụ chuyên nghiệp, dù họ là những người "gần dân nhất", trực tiếp xử lý công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Chính vì chế độ thiếu ổn định, không có lộ trình thăng tiến rõ ràng, cán bộ cấp xã khó được giữ chân và càng khó thu hút nhân lực giỏi về làm việc. Cơ chế liên thông, theo bà Nga, sẽ tạo ra một con đường phát triển sự nghiệp từ cơ sở đi lên, thay vì chỉ tuyển chọn theo kiểu "từ trên xuống".
Về chính sách "trải thảm" đón nhân tài, dự thảo luật có quy định về cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng người có tài năng. Tuy nhiên, đại biểu Nga thẳng thắn chỉ ra bất cập: không thể chỉ dựa vào hồ sơ, bằng cấp hay các kỳ thi mang tính hình thức để nhận diện người tài.
Người tài trong công vụ, theo nữ đại biểu, phải được bộc lộ qua thực tiễn công việc, qua khả năng giải quyết các vấn đề mới, phức tạp và quan trọng nhất là qua kết quả, giá trị thực tế mà họ tạo ra. Muốn giữ chân họ, không chỉ là lương bổng, mà cần trao cho họ cơ hội được cống hiến, được tin tưởng và được trọng dụng đúng mức.
Đại biểu Nga kiến nghị hệ thống đánh giá cán bộ cần thay đổi căn bản, tập trung vào đầu ra và hiệu quả công vụ, thay vì chỉ chú trọng hình thức, quy trình. Bà cũng đề xuất trao quyền linh hoạt hơn cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài, đi kèm với cơ chế giám sát chặt chẽ, khách quan.
"Nếu không cải cách mạnh mẽ từ khâu phát hiện, sử dụng đến đãi ngộ thì chính sách ưu đãi người tài có ghi trong luật cũng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hoặc sự đãi ngộ không đến đúng đối tượng", bà Nga cảnh báo. Bà mong muốn Việt Nam có một nền công vụ đủ sức hút người tốt, giữ người giỏi và sàng lọc được người kém ở mọi cấp độ.
Cùng chung nỗi niềm trăn trở, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu thực tế khó khăn trong việc thu hút nhân tài ở các địa phương, đặc biệt là vùng núi, vùng khó khăn. Bà đề nghị luật cần có khung tiêu chí cụ thể để xác định "người có tài năng".
Theo bà Ngọc, ở các tỉnh miền núi, ngân sách hạn chế, các chính sách thu hút chưa đủ sức hấp dẫn, rất khó mời gọi người tài, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Thậm chí, nhiều trường hợp tuyển dụng được nhưng lại không giữ chân được họ ở lại phục vụ lâu dài.
Vì vậy, bà kiến nghị dự thảo luật cần quy định khung cứng các chế độ, chính sách đặc biệt có sự hỗ trợ chung từ ngân sách Nhà nước. Với các địa bàn khó khăn, ngân sách Trung ương cần có cơ chế hỗ trợ hoặc ưu đãi đặc biệt để địa phương có nguồn lực thực hiện chính sách, từ đó mới mong giữ chân được người tài ở lại.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, gồm 7 chương, 52 điều, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới. Những góp ý thẳng thắn từ các đại biểu cho thấy quyết tâm xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả, nơi những người có tài năng thực sự được trân trọng và phát huy.
PV (SHTT)