Đề xuất công nhận mại dâm là nghề đặc biệt

06/04/2018 06:54:49

Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng nhà nước cần thay đổi cách quản lý, thay vì phạt cho tồn tại thì lập khu riêng cho hoạt động mại dâm.

Tại tọa đàm "Có nên công nhận mại dâm là một nghề?" chiều 5/4, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách, Phòng chống mại dâm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho biết Việt Nam đang xem mại dâm là hoạt động bất hợp pháp. Hiện cả nước có khoảng 15.000 người bán dâm có hồ sơ quản lý.

Còn theo Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam có khoảng 100.000 người bán dâm. Ngoài nữ, còn có nam, người đồng tính, người chuyển giới, người nước ngoài bán dâm. Họ hoạt động dưới nhiều hình thức, công khai, bí mật, có đường dây hoặc đơn lẻ, đáp ứng nhu cầu từ cao cấp tới bình dân... 

Theo ông Dũng, thế giới có gần 200 nước thì số nước cho phép tồn tại mại dâm nhỏ hơn số nước không cho phép. Trong số nước cho phép, họ giới hạn ở một số khu vực, không phải cả nước. Mỗi mô hình, mỗi cách quản lý đều có mặt tiêu cực và tích cực. 

Bộ Lao động từng làm việc với những người đã, đang hoặc sắp hoạt động mại dâm và người chuyển giới. Những người này mong muốn được bảo vệ, tránh sự đánh đập, bóc lột. Họ cũng quan tâm đến nhân thân, lo con cái có được bảo vệ, đối xử bình đẳng hay không. Nhiều người muốn được tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội để học nghề, thay đổi công việc đang làm...

Đề xuất công nhận mại dâm là nghề đặc biệt
Mặc dù mại dâm là bất hợp pháp song vẫn có nhiều chị em tham gia. Ảnh: Công an cung cấp.

Nên coi mại dâm là nghề đặc biệt, nghề nhạy cảm 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, cho biết từng tiếp xúc một gái mại dâm. Cô bức xúc vì bị xâm phạm quyền con người, không ai bảo vệ và mong muốn được xem công việc mình đang làm là một nghề. "Họ không sung sướng làm công việc đó, và đang nghĩ bị đặt ra ngoài xã hội, không biết kêu ai", ông Nhưỡng nói.

Đại biểu này cho rằng hành vi mua bán dâm "còn tốt hơn nhiều lần" mua bán sản xuất vũ khí, mà mua bán vũ khí còn được công nhận. Do đó, phải nhìn mại dâm là vấn đề xã hội, đừng nhìn là tệ nạn. Nên coi mại dâm là nghề đặc biệt, có một quy chế quản lý đặc biệt, như thế sẽ tốt hơn để hoạt động trôi nổi.

"Không quan tâm nhiều đến vấn đề kinh tế, tôi nhấn mạnh đến quyền con người. Tôi muốn lưu ý, những người hành nghề mại dâm rất bức xúc tại sao đặt họ ngoài lề xã hội, tại sao không quan tâm đến quyền lợi của họ", ông Nhưỡng lần nữa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nhà xã hội học, PGS Trịnh Hòa Bình cho rằng khi pháp luật chưa gọi là nghề thì xã hội đã coi mại dâm là một nghề. Có những quốc gia đã thừa nhận rồi quay trở về không thừa nhận. Dù cách nào, hoạt động ấy vẫn diễn ra, vẫn xâm hại đời sống đạo đức. Như vậy, nếu quản lý tốt, định hướng, kiểm soát tốt thì chắc chắn giảm thiểu tác hại, thậm chí thu lợi từ nó.

"Có thể coi đó là nghề, nhưng là nghề đặc biệt, nghề nhạy cảm. Còn tôi phản đối đặt mã nghề. Vì nếu có mã nghề thì phải có tôn vinh, đào tạo, phát triển nghề. Như vậy sẽ là không nghiêm túc. Không gì tốt hơn là nhìn nhận nó như thực thể xã hội", ông Bình nói.

Lập những phố đèn đỏ để quản lý

Đề cập hướng quản lý người làm nghề mại dâm, luật sư Trần Tuấn Anh nhận định, mại dâm đang thả nổi và luôn bị "phạt cho tồn tại". Đã đến lúc nhà nước cần thay đổi cách quản lý, thay vì phạt cho tồn tại thì thành lập một khu vực riêng, ngoài phạm vi đó là bất hợp pháp, cũng giống như vào casino hay mua xổ số hợp pháp. Nên thí điểm trước ở Phú Quốc, ai có nhu cầu mua dâm thì phải vào Phú Quốc, nếu hoạt động ở Hà Nội thì sẽ bị xử lý hình sự. 

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, theo ngôn ngữ pháp lý thì mại dâm có thể coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Người được cấp chứng chỉ hành nghề cần đủ điều kiện sức khỏe, lý lịch, thậm chí có thể quản lý cơ sở mại dâm, như: mỗi phòng bao nhiêu mét vuông, có gì trong đó, sử dụng biện pháp an toàn ra sao. 

Luật sư kể, cách đây vài năm, đoàn thanh tra xuống kiểm tra thì địa phương báo cáo không tìm thấy mại dâm ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Song nếu đưa vào quản lý, cán bộ có thể báo cáo chính xác hơn. Cơ quan quản lý sẽ có danh sách, quản lý vệ sinh, sức khỏe, thậm chí đóng bảo hiểm cho những người hành nghề. 

"Hiện nay chúng ta phạt rồi cho tồn tại thì khác nào công nhận, mà lại không quản lý được. Ta nên ban hành khung pháp lý để mại dâm diễn ra trong tầm quản lý. Nếu nó diễn ra bên ngoài là bất hợp pháp, sẽ bị phạt nặng, thậm chí phạt 2 lần thì truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Trần Tuấn Anh nói. 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng cơ sở mại dâm phải được cấp giấy phép hành nghề, được quy hoạch (gọi là khu đèn đỏ). Cơ quan quản lý sẽ kiểm soát người bán dâm, cũng như người mua dâm ở khu này. 

Đại diện Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Đoàn chủ tịch, cho rằng muốn công nhận mại dâm là một nghề hay không đòi hỏi quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng. Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, dù công nhận hay không, chỉ tập trung vào quyền con người. 

"Chúng tôi không bao giờ chấp nhận các hành vi xâm phạm đến quyền lợi, danh dự và nhân phẩm của chị em. Cần có chế tài, quy định để bảo vệ phụ nữ, và cả đàn ông", bà Cầm nói.

Về lộ trình sửa đổi dự thảo luật về phòng chống mại dâm, ông Phạm Ngọc Dũng cho biết hiện Cục Phòng chống tệ nạn xã hội mới trong giai đoạn nghiên cứu, lắng nghe dư luận xã hội để có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan, từ đó tham mưu cho cấp trên về chính sách phù hợp. Dự thảo luật phải phù hợp Hiến pháp, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống HIV...

Ông Dũng khẳng định, việc xây dựng chính sách về mại dâm sẽ dựa trên hai tiêu chí: tôn trọng Hiến pháp của Việt Nam và làm sao cho phù hợp với các điều lệ, công ước quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.

Theo Đoàn Loan (VnExpress.net)

Nổi bật