Quốc hội sáng nay (6/5) đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Điều 11 của dự thảo luật quy định những việc không được làm trong đó nghiêm cấm nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị chỉnh lý theo hướng "nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức và không được thu tiền học thêm của học sinh, kể cả trường hợp học sinh tự nguyện đăng ký".
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng. Việc học thêm là nhu cầu có thật của người học, tuy nhiên, việc ép buộc học sinh phải học thêm là không phù hợp. Dự thảo luật quy định việc cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quy định cụ thể về vấn đề dạy thêm, học thêm.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định quyền của nhà giáo được dạy thêm; quy định rõ hơn việc cấm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức, không được dạy thêm đối với học sinh mình trực tiếp giảng dạy
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu của người học và người dạy; dự thảo luật quy định cấm việc ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Việc tổ chức, quản lý hoạt động dạy thêm cần được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm.
Có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm pháp lý của nhà giáo và các hình thức xử lý kỷ luật đối với nhà giáo trong trường hợp vi phạm những điều không được làm; quy định rõ hơn chế tài đối với hành vi cư xử không đúng mực đối với nhà giáo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu dự thảo luật đã quy định rõ về xử lý kỷ luật đối với nhà giáo, trong đó quy định trách nhiệm pháp lý của nhà giáo, việc tạm đình chỉ giảng dạy đối với nhà giáo trong thời hạn xem xét kỷ luật.
Đối với các hành vi xâm phạm uy tín, danh dự của nhà giáo, dự thảo luật đã quy định, tùy theo đối tượng, tính chất và mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật có liên quan (Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự... và các văn bản hướng dẫn thi hành). Do vậy, dự thảo luật không quy định lại các nội dung này.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp để tương thích với khả năng thay đổi chính sách lương trong tương lai. Có ý kiến đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo; quy định bảng lương linh hoạt theo cấp học, thâm niên của nhà giáo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức, do vậy lương của nhà giáo thực hiện theo thang bảng lương hành chính sự nghiệp áp dụng cho đối tượng viên chức. Chính sách về tiền lương, phụ cấp của viên chức hiện đang được quy định trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, do vậy, nếu chính sách lương cho viên chức có thay đổi thì vẫn phù hợp với đội ngũ nhà giáo với tư cách là viên chức.
Dự thảo luật đã quy định, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Ngoài ra, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng được quy định bởi pháp luật. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo.
Về việc quy định bảng lương nhà giáo linh hoạt theo cấp học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng chính sách lương theo vị trí việc làm. Do vậy, đề nghị chưa quy định nội dung này trong dự thảo luật.
Theo Trần Thường (VietNamNet)