Đề xuất bổ sung thẩm quyền cho Thủ tướng

24/05/2019 20:38:12

Người đứng đầu Chính phủ được đề nghị thêm quyền thành lập Hội đồng giúp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.

Chiều 24/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo đó, ban soạn thảo đề xuất tăng một số thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ trưởng. Với Thủ tướng, bên cạnh 11 nhóm nhiệm vụ và quyền hạn theo Luật hiện hành, dự thảo Luật bổ sung thêm quy định: Người đứng đầu Chính phủ có quyền chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền về quản lý công chức, viên chức...

Ngoài ra, dự Luật cũng đề xuất bổ sung cho Thủ tướng thẩm quyền quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan hành chính nhà nước khác thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập Hội đồng, Ủy ban hoặc Ban khi cần thiết để giúp lãnh đạo Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.

Đề xuất bổ sung thẩm quyền cho Thủ tướng
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng nội dung sửa đổi, bổ sung trên là cần thiết, nhằm đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền giữa Thủ tướng với Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Theo ông, thay đổi này cũng tạo sự linh hoạt, kịp thời trong công tác lãnh đạo, điều hành của Bộ, ngành, địa phương, gắn với thực hiện cơ chế kiểm soát, kiểm tra xử lý các vi phạm, bảo đảm công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức hiệu quả hơn.

Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị giảm số lượng Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn một người.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói, luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 2 Phó chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của cơ quan này.

"Quy định đó không làm tăng thêm biên chế ở địa phương so với trước, vì thực chất một biên chế được nâng từ chức danh Ủy viên Thường trực của HĐND lên Phó chủ tịch. Việc giữ nguyên số lượng Phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh là nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban", ông Định nói.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tác động thật kỹ vì đổi mới phải đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng công việc chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế.

Theo ông Định, việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số lượng các chức danh này thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu biên chế, số lượng cán bộ dôi dư này sẽ sắp xếp, bố trí thế nào cho phù hợp; đồng thời, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tăng lên hay giảm đi.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng nên giữ số lượng 2 Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, vì nếu giảm thì các tỉnh, thành phố lớn rất khó khăn trong công tác. 

Còn với HĐND cấp huyện, ông Hiểu cho rằng để một phó chủ tịch là phù hợp. "Tôi đã gặp rất nhiều phó chủ tịch HĐND huyện, công việc rất nhàn, kể cả chỉ có một phó chủ tịch thì vẫn nhàn", ông Hiểu nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà cũng cho rằng, Luật chính quyền địa phương đang giao cho HĐND rất nhiều việc, quyết sách nhiều vấn đề lớn nên đặt vấn đề giảm bớt Phó chủ tịch HĐND, nhất là với cấp tỉnh thì không phù hợp. "Cấp huyện có thể một Phó chủ tịch HĐND, nhưng cấp tỉnh thì phải duy trì 2", ông Trà nói.

Dự kiến sáng 10/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)