Đề nghị đó được Cục Đường bộ đưa ra trong công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về việc tổ chức cắm biển tốc độ tối đa cho phép trên đường cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới.
Theo Cục Đường bộ, từ cuối tháng 12/2023 đến nay, trên cơ sở các chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, đề xuất của các đơn vị, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã có 4 đoạn tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới được khai thác với vận tốc tối đa từ 80km/h lên 90km/h là Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu; Mỹ Thuận-Cần Thơ; Trung Lương-Mỹ Thuận; Tuyên Quang-Phú Thọ.
Theo báo cáo của các Ban Quản lý dự án, Sở Giao thông Vận tải đang quản lý các tuyến cao tốc nêu trên sau thời gian khai thác, theo dõi thì bước đầu giao thông ổn định.
Để đảm bảo tính đồng nhất, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, các cơ quan quản lý các đoạn tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới có quy mô tương đồng, có dải phân cách cứng phân chia hai chiều xe chạy được khai thác với vận tốc tối đa là 90km/h; tăng cường các điều kiện, biện pháp bảo đảm giao thông trên tuyến.
Quá trình khai thác, sử dụng, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị quản lý khai thác tiếp tục theo dõi về tổ chức giao thông, tình hình an toàn giao thông trên tuyến để kịp thời phát hiện các tồn tại, bất cập, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tốc độ khai thác, phương án tổ chức giao thông cho phù hợp nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
Các Ban quản lý dự án, các cục, chủ đầu tư các dự án phân kỳ đầu tư đường cao tốc đầu tư bổ sung hoàn chỉnh để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS) tại Đề án xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo nâng tốc độ tối đa từ 80 km/h lên 90 km/h với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ và xe tải đến 3,5 tấn trên 9 đoạn tuyến cao tốc 4 làn xe hạn chế (còn gọi là cao tốc 4 làn xe hạn chế).
Cả nước hiện có 1.892 km đường cao tốc đã đưa vào khai thác; trong đó có một số tuyến cao tốc 4 làn xe hạn chế đã được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các ban quản lý dự án cắm biển tốc độ tối đa là 90km/h như: Tuyên Quang - Phú Thọ, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ...
Trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, có 9 đoạn tuyến cao tốc 4 làn xe hạn chế có thể khai thác với tốc độ tối đa 90 km/h thay vì 80 km/h như hiện nay với ô tô con, xe khách đến 30 chỗ, xe tải đến 3,5 tấn gồm: Đoạn cao tốc Lào Cai - Kim Thành (cuối cao tốc Nội Bài - Lào Cai), cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Cục Đường bộ đề xuất Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện, với 9 đoạn tuyến đường cao tốc 4 làn xe hạn chế được các chủ đầu tư, đơn vị quản lý báo cáo đáp ứng điều kiện khai thác với tốc độ tối đa cho phép 90 km/h (đang khai thác tốc độ tối đa 80 km/h) thì tổ chức cắm biển tốc độ tối đa cho phép 90 km/h đối với ô tô con, xe khách đến 30 chỗ (trừ xe buýt), ô tô tải đến 3,5 tấn.
Các xe còn lại giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép 80 km/h theo nội dung kiến nghị của các cục quản lý chuyên ngành, các chủ đầu tư dự án và các đơn vị quản lý khai thác đường...
Hiền Lê (SHTT)