Có ý kiến đề nghị quy định biện pháp thích hợp như ngắt hệ thống âm thanh trong trường hợp đại biểu Quốc hội phát biểu quá thời gian quy định, thay vì để chủ tọa nhắc nhở.
|
Quốc hội sẽ điểm danh bằng thẻ điện tử? (Ảnh minh họa) |
Về quy định thảo luận tại phiên họp toàn thể, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự thảo nội quy) cho hay: Có ý đề nghị nghiên cứu quy định trong trường hợp thảo luận tại phiên họp toàn thể mà không có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu thì chủ tọa phiên họp có thể cho đại biểu Quốc hội kéo dài thời gian phát biểu. Trường hợp thảo luận nội dung phức tạp thì có thể mời đại biểu Quốc hội có nhiều kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực đó phát biểu hoặc mời đại biểu Quốc hội phát biểu lần thứ 3, thứ 4 nếu còn thời gian của phiên họp.
"Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định biện pháp thích hợp như ngắt hệ thống âm thanh trong trường hợp đại biểu Quốc hội phát biểu quá thời gian quy định mà không nên để chủ tọa nhắc nhở như hiện nay để nâng cao chất lượng phát biểu, tăng cường tính nghiêm túc của kỳ họp", ông Phan Trung Lý cho hay.
Về quy định, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp sau khi được bầu là nội dung mới được quy định trong Hiến pháp và đã được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức Quốc hội. Theo Ủy ban Pháp luật, để bảo đảm thực hiện quy định này thì trong Nội quy kỳ họp Quốc hội cần phải quy định cụ thể nghi thức tuyên thệ, trong đó cần cụ thể các thủ tục thực hiện nghi thức này để việc tuyên thệ được diễn ra kịp thời, trang trọng trước khi người được bầu bắt đầu thực hiện nhiệm vụ mới.
Theo Ngọc Lương (Dân Việt)