Dạy học thêm: Càng cấm càng dễ biến tướng

27/07/2016 07:38:00

Nếu chương trình và cách thi cử vẫn như hiện nay, cấm chỉ khiến việc dạy thêm, học thêm phức tạp và khó quản lý hơn.

Nếu chương trình và cách thi cử vẫn như hiện nay, cấm chỉ khiến việc dạy thêm, học thêm phức tạp và khó quản lý hơn.

Sẽ biến tướng dạy thêm

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong hai năm qua, từ khi TP.HCM cho phép dạy thêm trong nhà trường, nhiều trường học trên địa bàn TP đã làm thủ tục và được cấp phép để dạy thêm, học thêm. Tại các trường này, phần lớn phụ huynh học sinh (HS) vẫn lựa chọn cho con học thêm trong nhà trường, mức học phí vừa phải, trung bình 300.000-400.000 đồng/tháng với 3-5 môn học.

Khi biết được thông tin sẽ cấm dạy thêm trong nhà trường, anh Lê Bá Nam, phụ huynh có con đang học tại Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, tỏ ra không an tâm. Anh Nam cho rằng nếu cho con học thêm thì nhà trường mới là nơi tốt nhất để làm việc đó. Vì theo anh, chính giáo viên trong trường mới hiểu HS của mình yếu mạnh điểm nào, cần bổ túc kiến thức gì, học mức nào là vừa phải... Ngoài ra, con học ở trường, phụ huynh sẽ thuận tiện đưa đón con, biết được giáo viên nào giảng dạy tốt cho con mình để chọn lựa. Nhà trường cũng sẽ dễ dàng quản lý được việc dạy và học của thầy lẫn trò. Anh cho biết chính vì lẽ đó, ngay từ lớp 10, anh đã cho con đăng ký học thêm trong nhà trường vào các buổi chiều trong tuần. Sắp tới, con anh sẽ lên lớp 11 và anh dự tính sẽ tiếp tục cho con học các môn mà con sẽ thi để xét tuyển đại học sau này. 

Phụ huynh đưa đón con em đi học thêm tại một trường ở quận 1, TP.HCM. (Ảnh chụp chiều 26-7) Ảnh: HTD

 

“Tôi không yên tâm cho con học ở trung tâm vì thi cử đã có nhiều đổi mới nên các thầy cô trong trường sẽ nắm tốt hơn để định hướng ôn tập cũng như chọn môn thi cho các em. Hơn nữa, các cơ sở bên ngoài tung chiêu quảng cáo rất nhiều nhưng chất lượng không biết thực hư thế nào” - anh Nam nói.

Chị Lê Thị Ngọc, phụ huynh có con học THPT tại quận Tân Bình, cũng cho rằng việc cấm dạy thêm khó triệt để được. Cấm bằng cách này thì e nhiều trường sẽ tìm cách khác như tăng tiết, phụ đạo, bồi dưỡng nâng cao.... để thu tiền.

Một giáo viên dạy khối THCS tại quận 1 cho hay học thêm hiện nay là nhu cầu. Nhiều em học cả trong trường lẫn ngoài trường khiến lịch học gần như kín mít cả ngày. HS có quá nhiều kỳ thi quan trọng, kiến thức thì rộng và nhiều, tạo áp lực khiến các em phải học thêm. Rồi nhà trường cũng lo ngại thành tích nên cũng mở lớp dạy thêm. 

“Hết thi tuyển sinh lớp 10 lại lo đến kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi nào cũng mang tính quyết định cho tương lai của các em nên không ai xem nhẹ được. Vì thế, dù bỏ hay giữ thì bằng cách này hoặc cách khác cũng có hiện tượng biến tướng dạy-học thêm thôi” - giáo viên này thẳng thắn.

Lo chất lượng giảm sút

Chị Phan Anh Đào, có con đang học tại Trường THPT Gò Vấp, cho rằng HS ngày nay phải chạy theo thi cử quá mệt mỏi. Nếu bỏ dạy thêm mà vẫn duy trì thi cử nặng nề như hiện nay thì không khả thi. Theo chị, lâu nay các trường đứng ra tổ chức dạy thêm cho HS là không sai và phù hợp với nguyện vọng của phụ huynh, cũng đều vì muốn con học tốt thôi. Khi đó giáo viên dạy không chỉ vì muốn có thêm thu nhập mà còn là trách nhiệm đối với HS của mình nữa. Nếu có tiêu cực, phụ huynh phản ánh lên thì nhà trường sẽ xử lý và đổi giáo viên ngay. Còn bên ngoài, giáo viên thường chỉ dạy cho xong thì làm sao biết HS tiếp thu thế nào.

“Hơn nữa học phí học thêm ở trường cũng không quá cao, vừa rồi tôi đăng ký cho con học bốn môn gồm toán, văn, tiếng Anh và vật lý, mỗi tháng chỉ đóng hơn 300.000 đồng. Nếu ở trung tâm, giá đó chỉ học được một hoặc hai môn. Thế thì phụ huynh tiền đâu cho con đi học được, mà không học thì sao yên tâm cho con thi cử sau này” - chị Đào tâm tư.

Theo hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Bình Chánh, việc không cho tổ chức dạy thêm trong nhà trường sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của trường vì các trường ngoại thành đầu vào quá thấp, học lực của các em rất yếu. Nếu không dạy thêm, chưa chắc các em đã theo kịp quá trình học, huống hồ thi cử cuối cấp. Năm rồi, chỉ tính khối lớp 10 đã có hơn 40 em bỏ học vì quá yếu dù giáo viên đã cố gắng dạy thêm và phụ đạo cho các em. Nếu chỉ học hai buổi/ngày bình thường thì không biết sẽ còn bao nhiêu em phải nghỉ hoặc ở lại lớp.

Cần có lộ trình thực hiện chặt chẽ

Tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT TP.HCM sáng 26-7 về công tác chuẩn bị năm học mới 2016-2017, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ đạo: Chủ trương không cho phép dạy thêm, học thêm trong nhà trường là chủ trương đúng đắn của TP để tiến tới xóa hoàn toàn dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, thời gian qua đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận về vấn đề này, nhất là trong phụ huynh và giáo viên. Vì đây là năm học đầu tiên thực hiện nên sẽ không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng từ phía cơ sở. Do đó, Sở GD&ĐT TP phải làm thật tốt công tác tư tưởng với nhà trường, giáo viên và phụ huynh về chủ trương này. Đồng thời, Sở phải có lộ trình thực hiện một cách chặt chẽ, có những chỉ đạo phù hợp với thực tế để tránh gây bức xúc trong giáo viên và phụ huynh.

________________________________

Khi dạy thêm trong trường, nhà trường còn lo cho những HS có hoàn cảnh khó khăn được miễn giảm học phí. Còn nếu không dạy nữa thì các em sẽ phải ra trung tâm học. Như thế những em khó khăn không thể có đủ điều kiện để học được. Chưa kể tìm được cơ sở dạy thêm ở Bình Chánh cũng không phải dễ mà nếu có thì công tác quản lý cũng không phải đơn giản.

Một hiệu trưởng THPT tại huyện Bình Chánh

 
Theo Phạm Anh (Pháp Luật TP HCM)