Đất vàng công sở, hàng quán bủa vây

05/03/2019 08:23:51

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước tại khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình vừa qua cho thấy, đất công, trụ sở cơ quan Nhà nước đang bị trục lợi. Các chuyên gia cho rằng, các sai phạm trong việc cho thuê đất, trụ sở cơ quan Nhà nước như ở Mỹ Đình xảy ra tràn lan, cần thanh kiểm tra toàn diện để xử lý…

Đất vàng công sở, hàng quán bủa vây
Đại lý bán vé máy bay, quán cà phê bủa vây Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm 

Tại Hà Nội, đất công và công sở thường có vị trí đắc địa nên nhu cầu thuê cao. Tuy nhiên, việc cho thuê đang diễn ra tràn lan, lộn xộn và phản cảm…

Nhiều công sở “biến tướng” quanh hồ Hoàn Kiếm

Ghi nhận tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm số 2 Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm), mặc dù được UBND TP Hà Nội phê duyệt xây dựng làm công trình công cộng với mục đích giới thiệu thông tin văn hóa hồ Gươm, trưng bày, triển lãm và văn phòng làm việc. Với mật độ xây dựng là 64%, công trình này được xây dựng trên lô đất 242,2m2 với quy mô 3 tầng nổi, 1 tầng hầm và tum thang. Tổng chiều cao công trình từ cốt vỉa hè đến diềm mái 10,1m và đến đỉnh tum thang là 13,6m. Tầng 1 được để trống làm không gian mở. Tầng 2 được làm nơi trưng bày hiện vật và thông tin hồ Gươm. Tầng 3 là các phòng họp, hội thảo và nơi làm việc của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Trung tâm đang bị “xẻ thịt” biến dạng mục đích ban đầu được phê duyệt. Tầng 1 đã được phòng vé máy bay của hãng hàng không thuê làm văn phòng giao dịch, bán vé từ nhiều tháng qua. Góc trái của Trung tâm bị biến dạng bởi một thang máy đang được xây dựng, kéo lên tầng tum để biến sân thượng thành một quán cà phê. Đơn vị thuê dùng các loại sắt cây, dựng tường, dùng kính chịu lực làm vách ngăn, cơi nới thành các phòng ốc để phục vụ cho dịch vụ ăn uống.

Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 25 Tông Đản, quận Hoàn Kiếm), mặc dù đã được báo chí đề cập, phản ánh những sai phạm trong quản lý đất công trước đây, nhưng hiện tại, hai bên cổng cho thuê làm hai quán ăn có phong cách khác nhau. Bên phải là quán phở bò Đại Hải, bên trái là quán ăn Shamoji. Trong khuôn viên của bảo tàng trước đây cho thuê mở quán bia, gần đây trở thành nơi trưng bày sản phẩm sâm Ngọc Linh (Kon Tum). Phía đối diện, cũng trong khuôn viên bảo tàng này, toàn bộ mặt tiền số 1 đường Phạm Ngũ Lão xuất hiện các quán ăn nhanh MAKOTO; Steack House Le Bon; Cafe APSARA; SAPA Fish Restaurant…

Cách đó không xa, tại Viện Dược liệu, phía mặt phố Hai Bà Trưng xuất hiện hàng loạt cửa hàng kinh doanh kính thời trang; đồ điện tử; sâm Hàn Quốc…

Nhiều trung tâm văn hóa thành quán bia

Tình trạng cho thuê công sở cũng xảy ra phổ biến tại các quận còn lại của Hà Nội. Trung tâm văn hóa quận Thanh Xuân là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND quận, tọa lạc ở ngã 4 Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến, với diện tích trên 30.000m2, có cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ, không gian thoáng, rộng và tiện nghi. Nơi đây được xây dựng nhằm tổ chức các sự kiện ở địa phương và có những hoạt động thiết thực, tạo “sân chơi” bổ ích, lý thú, an toàn cho các em học sinh. Tuy nhiên, nhiều năm qua xuất hiện nhà hàng tiệc cưới Nguyên Đình bao trọn sảnh chính. Chủ nhà hàng quây lại thành một khu riêng có diện tích khoảng hơn 500m2. Theo quảng cáo, ở đây có thể tổ chức tiệc cưới có lượng khách lên đến 600 người, có sảnh đón tiếp đẹp, bãi ô tô, xe máy rộng rãi nằm trong quần thể kiến trúc bể bơi, sân tennis, nhà thi đấu... của Trung tâm Văn hóa, thể thao quận Thanh Xuân.

Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội (số 4 Phùng Hưng, quận Hà Đông) là đơn vị sự nghiệp có thu, có chức năng tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tuyên truyền các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội. Thế nhưng, một diện tích không nhỏ trong khuôn viên của trung tâm đang bị “xẻ thịt” thực hiện những hoạt động kinh doanh. Theo quan sát của PV Tiền Phong, quán café 67 nằm bên trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội với nhiều lượt khách ra vào. Bên cạnh đó, một nhà hàng với diện tích hàng trăm mét vuông vừa mới được hình thành. Nhân viên trông coi cho hay, hết tháng này, nhà hàng sẽ đi vào hoạt động.

Anh Lê Thanh Minh, một người dân sống cạnh trung tâm này cho hay: Quán café 67 đi vào hoạt động khá lâu và thường xuyên có lượng khách đông vào tối muộn. Ngoài ra, nhà hàng đi vào hoạt động nên chắc chắn lượng khách hàng cùng xe cộ sẽ đông, ảnh hưởng đến cuộc sống, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. “Trung tâm Văn hóa là nơi vui chơi, hoạt động phục vụ cộng đồng, việc cho thuê kinh doanh kiếm lợi ích riêng cần chấm dứt, xử lý vi phạm”, anh Minh nói.

Nhiều trụ sở của các cơ quan, đơn vị nằm trên đường Tô Hiệu (quận Hà Đông) cũng được cho thuê, tạo ra hình ảnh nhếc nhác. Trụ sở của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hay Đài phát thanh và truyền hình Hà Tây (cũ) đang được tận dụng làm chỗ sửa chữa xe máy, mở hàng quán.

Tại Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao quận Tây Hồ cũng có tình trạng cho một số đơn vị thuê đất để hoạt động kinh doanh và dịch vụ. Cụ thể, ở phía đường Võ Chí Công là quán bia Thu Hằng quy mô lớn. Thậm chí, quán bia này còn mở một cổng riêng cho khách ra vào ở đường Võ Chí Công. Khách cũng có thể vào quán bia này từ cổng đường Xuân La. Bảo vệ của quán bia cho biết, quán bia hoạt động 3 năm nay, có diện tích khoảng 1.000m2, xung quanh quây tấm tôn, có đầy đủ chỗ để xe, khu nhà bếp, khu ăn uống cho khách. Cạnh quán bia Thu Hằng là văn phòng Cty bất động sản có diện tích khoảng vài trăm mét vuông. Văn phòng của công tay này cũng được xây dựng kiên cố.    

“Trung tâm Văn Hóa là nơi vui chơi, hoạt động phục vụ cộng đồng, việc cho thuê kinh doanh kiếm lợi ích riêng cần chấm dứt, xử lý vi phạm”.

Một người dân 

Theo Long Vân - Nguyễn Thắng - Võ Hóa (Tiền Phong)