Nữ tài xế lái Mercedes tông loạt xe máy, đổ cột điện giữa Hà Nội
Liên quan đến vụ nữ tài xế lái ô tô gây tai nạn ở ngã tư Phạm Hùng - Xuân Thủy (Cầu Giấy Hà Nội) ngày 9/4, công an quận Cầu Giấy vẫn đang điều tra, làm rõ.
Cùng ngày trao đổi với PV, một lãnh đạo Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội) cho biết, tài xế điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Mercedes 5 chỗ gây tai nạn liên hoàn ở ngã tư Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) là người phụ nữ trung niên.
"Tài xế là N. T. T. H. (sinh năm 1980, trú tại Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) đã điều khiển chiếc xe ô tô 5 chỗ nhãn hiệu Mercedes di chuyển từ Xuân Thủy quay đầu sang đường Phạm Hùng, khi đến vị trí trên thì gây ra tai nạn.
Hiện tại chúng tôi đã bàn giao nữ lái xe cho lực lượng công an quận Cầu Giấy để phục vụ công tác điều tra", vị lãnh đạo Đội CSGT số 6 cho biết.
Trước đó, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 8h15 sáng 9/4, tại khu vực ngã tư Phạm Hùng giao Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội).
Thời điểm trên, một chiếc ô tô Mercedes biển kiểm soát 30A-80.015 do người phụ nữ điều khiển đã lao vào hàng loạt phương tiện đang lưu thông, tiếp đến đâm vào cột điện bên đường sau đó lật ngửa giữa đường.
Tại hiện trường, có 3 chiếc xe máy bị biến dạng, chiếc ô tô gây tai nạn bị lật toàn bộ phần đầu xe cũng biến dạng. Vụ tai nạn khiến 3 người bị thương được đưa đưa đi cấp cứu.
Chia sẻ với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo thông tin ban đầu thấy, trước tiên, người điều khiển phương tiện ô tô đã không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, vượt đèn đỏ đâm liên hoàn vào những người điều khiển xe mô tô gây hậu quả nghiêm trọng làm nhiều người bị thương, tài sản hư hỏng.
Người điều khiển ô tô đã vi phạm điểm c, khoản 3, Điều 10 Luật giao thông đường bộ.
Ngoài ra, các cơ quan pháp luật cần xác định các lỗi khác nếu có như sử dụng rượu bia, chất kích thích, bằng lái xe,...
Với hậu quả xảy ra, hành vi của người điều khiển ô tô đã có dấu hiệu Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015.
Đây là tội phạm có cấu thành vật chất nên để có căn cứ xử lý, cần xác định hậu quả thiệt hại tổn hại sức khỏe hoặc chết người (nếu có) để xử lý tương ứng theo quy định tại Điều 260 BLHS.
Theo Ngọc Thắng (Tổ Quốc)