Danh sĩ đệ nhất thời Tây Sơn: 20 năm ở ẩn, vừa xuống núi đã hiến diệu kế giúp vua Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh

29/03/2019 03:04:00

Đại thắng quân Thanh năm Kỷ Dậu 1789 là chiến công đưa Vua Quang Trung lên hàng ngũ những anh hùng dân tộc sánh ngang với bậc tiền nhân như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ. Nhưng không phải ai cũng biết rằng chiến lược “Bắc Tiến thần tốc – đánh nhanh diệt gọn” đem lại thắng lợi vang dội cho đại quân Quang Trung, lại là kế sách của 1 bậc danh sĩ không thuộc đội tham mưu của Hoàng đế.

Diễn biến đại thắng năm Kỷ Dậu 1789

Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (26 tháng 12 năm 1788),  tức chỉ 4 ngày sau khi chính thức lên ngôi Hoàng đế, đại quân của Vua Quang Trung vào tới Nghệ An, dừng quân tại đó hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng.

Danh sĩ đệ nhất thời Tây Sơn: 20 năm ở ẩn, vừa xuống núi đã hiến diệu kế giúp vua Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh
Đại quân của Hoàng đế Quang Trung hành quân thần tốc - điểm quyết định trong thắng lợi Kỷ Dậu 1789

Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, số quân cũ và mới của Quang Trung là 10 vạn, được tổ chức thành 5 đạo: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân, ngoài ra còn có một đội tượng binh gồm 200 voi chiến. Quang Trung tổ chức lễ duyệt binh tại Nghệ An để khích lệ tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng của tướng sĩ đối với quân xâm lược Mãn Thanh. Ngay sau lễ duyệt binh, đại quân thẳng tiến Bắc Hà.

Quân Quang Trung "tiến nhanh như vũ bão... từ Thanh Hoá ra Ninh Bình chỉ mất có một ngày, không quản đường xa khó nhọc, trong khi người khác phải mất ba bốn ngày". Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân (tứ 15 tháng 1 năm 1789), đại quân Quang Trung đã ra đến Tam Điệp. Sau khi xem xét tình hình, Quang Trung hẹn ba quân ngày mồng 7 Tết sẽ quét sạch quân Thanh, vào ăn Tết ở Thăng Long.

Quang Trung chia quân làm 5 đạo. Một cánh do đô đốc Long chỉ huy từ làng Nhân Mục tập kích đồn Khương Thượng và phía tây Thăng Long. Cánh đô đốc Bảo tiến đánh các đồn phía nam Thăng Long. Trung quân do đích thân Quang Trung chỉ huy, phối hợp với đô đốc Bảo đánh diệt các đồn phía nam Thăng Long. Cánh đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc bố trí chặn đường lui của địch ở phía bắc sông Nhị Hà và huyện Phượng Nhãn.

Đêm 30 tháng Chạp âm lịch, quân Tây Sơn đánh diệt đồn Gián Khẩu của các tướng Lê Chiêu Thống. Sau đó Quang Trung đánh diệt các đồn Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, dụ hàng được đồn Hà Hồi. Đêm mồng 4 Tết, Quang Trung tiến đến trước đồn lớn nhất của quân Thanh là Ngọc Hồi nhưng dừng lại chưa đánh khiến quân Thanh lo sợ, phần bị động không dám đánh trước nhưng cũng không biết bị đánh lúc nào.

Trong khi đó cánh quân của đô đốc Long bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng khiến quân Thanh không kịp trở tay, hàng vạn lính bỏ mạng. Chủ tướng Sầm Nghi Đống tự vẫn. Xác quân Thanh chết sau xếp thành 13 gò đống lớn, có đa mọc um tùm nên gọi là gò Đống Đa. Đô đốc Long tiến vào đánh phá quân địch phòng thủ ở Tây Long.

Danh sĩ đệ nhất thời Tây Sơn: 20 năm ở ẩn, vừa xuống núi đã hiến diệu kế giúp vua Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh - 1
Đại thắng Kỷ Dậu với đỉnh cao là trận Ngọc Hồi, đánh tan 20 vạn quân Thanh, đưa vua Quang Trung vào hàng ngũ những vị anh hùng dân tộc vĩ đại nhất

Sáng mồng 5, Quang Trung mới cùng đô đốc Bảo tổng tấn công vào đồn Ngọc Hồi. Trước sức tấn công mãnh liệt của Tây Sơn, quân Thanh bị động thua chết hàng vạn, phần lớn các tướng bị giết. Trước đó, Tôn Sĩ Nghị nghe tin đô đốc Long đánh vào Thăng Long, cuống cuồng sợ hãi đã bỏ chạy trước.

Đến sông Nhị Hà, sợ quân Tây sơn đuổi theo, Tôn Sĩ Nghị hạ lệnh cắt cầu khiến quân Thanh rơi xuống sông chết rất nhiều làm dòng sông bị nghẽn dòng chảy. Trên đường tháo chạy, Tôn Sĩ Nghị bị hai cánh quân Tây Sơn của đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc chặn đánh, tơi tả chạy về. Lê Chiêu Thống hớt hải chạy theo Nghị thoát sang bên kia biên giới.

Như vậy, sớm hơn dự kiến, chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh. Trưa mùng 5 Tết, Quang Trung tiến quân vào thành Thăng Long trong sự chào đón của nhân dân.

Trên đây là toàn bộ diễn biến đại thắng quân Thanh năm Kỷ Dậu 1789, thắng lợi đưa Vua Quang Trung lên hàng ngũ những anh hùng dân tộc sánh ngang với các bậc tiền nhân như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ. Nhưng không phải ai cũng biết rằng chiến lược “Bắc Tiến thần tốc – đánh nhanh diệt gọn” đem lại thắng lợi vang dội cho đại quân Quang Trung, lại là kế sách của 1 bậc danh sĩ không thuộc đội tham mưu của Hoàng đế.

Xuống núi hiến kế hay

Đại Nam chinh biên liệt truyện chép rằng: khi đại quân vào tới Nghệ An, Quang Trung một mặt ra chính sách “cưỡng bức tòng quân” để gia tăng lực lượng quân đội đánh giặc Thanh, mặt khác cho người tới núi Thiên Nhẫn (nay thuộc Nam Đàn, Thanh Chương, Nghệ An) mời bằng được La sơn phu tử Nguyễn Thiếp để hỏi kế sách đánh bại quân xâm lược. Thời điểm ấy, Nguyễn Thiếp đã ở ẩn tại Thiên Nhẫn được tròn 20 năm.

Danh sĩ đệ nhất thời Tây Sơn: 20 năm ở ẩn, vừa xuống núi đã hiến diệu kế giúp vua Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh - 2
Đằng sau thắng lợi lịch sử này là dấu ấn kế sách của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp

Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) tự Khải Xuyên, là danh sĩ cuối đời Hậu Lê và Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Lúc nhỏ, ông và ba anh em trai nhờ mẹ chăm sóc và chú là Tiến sĩ Nguyễn Hành rèn dạy nên đều học giỏi. Năm 19 tuổi, Thiếp được chú gửi cho bạn thân là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (cha của thi hào Nguyễn Du) dạy dỗ thêm.

Tuy nhiên, chưa được một năm thì chú Nguyễn Hành đột ngột mất ở lỵ sở Thái Nguyên, Nguyễn Thiếp trở về nhà. Năm sau, ông dự thi Hương ở Nghệ An đỗ thủ khoa, nhưng không ở lại dự thi Hội mà đi ở ẩn. Năm Mậu Thìn (1748), ông ra Bắc dự thi Hội, nhưng chỉ vào đến tam trường (kỳ 3). Sau đó ông vào Bố Chính dạy học.

Năm Bính Tuất (1756), lúc này đã 33 tuổi, Nguyễn Thiếp được bổ làm Huấn đạo (chức quan trông coi việc học trong một huyện) ở Anh Đô (phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Ở đó 6 năm, ông được đổi làm Tri huyện Thanh Giang (nay là Thanh Chương, Nghệ An). Năm Mậu Tý (1768), ông xin từ quan về ở ẩn trên núi Thiên Nhẫn.

Nguyễn Thiếp khi đó tâu rằng: “Người Thanh ở xa tới mệt nhọc không biết tình hình khó dễ thế nào. Vả nó có bụng khinh địch, nếu bệ hạ đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà thành".

Lời tâu của Thiếp rất hợp ý Quang Trung, Hoàng đế liền hỏi sách lược tiến quân cụ thể. Thiếp tâu: “Theo ngu ý của thần, bệ hạ trước mắt cùng đại quân tiến nhanh ra Bắc Hà. Sau đó chia quân 5 đạo, 3 đạo tập kích liên hoàn vào các căn cứ mạn Tây, Nam và trung tâm Thăng Long. Hai đạo còn lại men theo đường biển, chặn đường lui của địch ở Nhị Hà, chắc chắn tất thắng”.

Diễn biến và kết quả chiến thắng Kỷ Dậu 1789 không sai lệch một ly so với kế sách và dự đoán của Nguyễn Thiếp. Nhưng không nhiều người biết rằng, Quang Trung trong quá khứ, vào các năm 1786 (diệt họ Trịnh) và 1788 (trừ Vũ Văn Nhậm), từng hai lần gửi thư và sai người mời La sơn phu tử xuống núi, để xin kế sách đánh địch, nhưng Thiếp đều từ chối không giúp.

Danh sĩ đệ nhất thời Tây Sơn: 20 năm ở ẩn, vừa xuống núi đã hiến diệu kế giúp vua Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh - 3
Ở ẩn trên núi 10 năm, Nguyễn Thiếp hạ sơn trong lần thứ 3 nhận được lời mời của vua Quang Trung và đề ra sách lược đại thắng quân xâm lược

Phải tới lần thứ ba, trong một trận chiến chống quân xâm lược – tức về mặt ý nghĩa là khác hoàn toàn 2 lần trước – Nguyễn Thiếp mới chấp nhận xuống núi bày mưu lược, hiến kế sách cho vua Quang Trung. Điều này, theo lý giải của các sử gia đời sau là bởi Thiếp trước khi lên núi ở ẩn, từng làm quan thời hậu Lê, nên không muốn can thiệp vào các cuộc nội chiến trước đó của Quang Trung.

Đề ra nền tảng trị quốc “lấy dân làm gốc”

Năm 1791, vì cảm thái độ chân tình của Quang Trung, Nguyễn Thiếp lần thứ hai nhận lời mời của Hoàng đế, tới Phú Xuân bàn việc nước. Ngay trong buổi trầu đàu tiên, Thiếp đã dâng lên vua Quang Trung một bản tấu bàn về 3 vấn đề: Một là "Quân đức" (đại ý khuyên vua nên theo đạo Thánh hiền để trị nước); hai là "Dân tâm" (đại ý khuyên vua nên dùng nhân chính để thu phục lòng người), và ba là "Học pháp" (đại ý khuyên vua chăm lo việc giáo dục).

Tuy là ba, nhưng chúng có quan hệ mật thiết với nhau và đều lấy quan niệm "dân là gốc của quốc gia" làm cơ sở. Nguyễn Thiếp viết: "Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên". Những lời tấu ấy được vua Quang Trung nghe theo, và trở thành nền tảng trị quốc của các đời vua nước Việt sau này.

Ngày 20 tháng 8 (1791), vua ban chiếu lập "Sùng chính Thư viện" ở nơi Nguyễn Thiếp ở ẩn và mời ông làm Viện trưởng. Kể từ đó, Thiếp tập trung chăm lo việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy học và phổ biến trong dân. Chỉ trong hai năm, ông đã tổ chức dịch xong các sách: Tiểu học, Tứ thư, Kinh Thi, và chủ trì biên soạn xong hai bộ sách là Thi kinh giải âm và Ngũ kinh toát yếu diễn nghĩa. Đây chính là những tác phẩm dịch có giá trị quan trọng nhất thời Tây Sơn.

Danh sĩ đệ nhất thời Tây Sơn: 20 năm ở ẩn, vừa xuống núi đã hiến diệu kế giúp vua Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh - 4
Đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ở xã Kim Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh

Tháng 9 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đột ngột băng hà, sự nghiệp của Nguyễn Thiếp đành dở dang. Năm 1802, chúa Nguyễn Phúc Ánh (Vua Gia Long sau này) sáng lập Nhà Nguyễn, tỏ ý muốn trọng dụng Nguyễn Thiếp nhưng lấy cớ già yếu từ chối, xin về quê ở ẩn.

Ngày 6 tháng 2 năm 1804 (Quý Hợi), danh sĩ Nguyễn Thiếp không bệnh mà mất, thọ 81 tuổi, được an táng tại trại Bùi Phong trên dãy Thiên Nhẫn.

THANH XUÂN (SHTT)