Lời 'tiên tri' của Gia Cát Lượng về kết cục bi kịch dành cho con trai

13/03/2019 12:00:00

Gia Cát Chiêm, con trai (ruột) duy nhất của Gia Cát Lượng, tài năng sớm phát lộ, được người Thục kì vọng sẽ theo kịp cha mình. Nhưng kết cục Chiêm lại tử trận ở trận đánh lớn đầu tiên và duy nhất trong đời. Thất bại của Chiêm cũng đặt dấu chấm hết cho nhà Thục Hán.

Gia Cát Lượng (181 – 234), biểu tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, và cũng là một nhà phát minh của Thục Hán thời Tam Quốc. Đóng góp lớn nhất của Gia Cát Lượng cho nhà Thục là việc giúp hình thành thế chân vạc tam quốc, liên minh Thục-Ngô chống Ngụy.

Được kì vọng sẽ sớm bắt kịp Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử. Tuy nhiên, các chiến dịch đánh Tào Ngụy do ông phát động đều không thành công, cuối cùng bệnh mất trong chiến dịch Bắc Phạt lần thú 6, thọ 54 tuổi.

Lời 'tiên tri' của Gia Cát Lượng về kết cục bi kịch dành cho con trai
Gia Cát Lượng - nhà quân sự, chiến lược gia đại tài thời Tam Quốc

Gia Cát Lượng lấy vợ từ trước khi theo Lưu Bị. Vợ Lượng là Hoàng Nguyệt Anh, một nữ nhân theo tương truyền dân gian có trí tuệ hơn người nhưng dung mạo xấu xí, con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn. Vợ chồng Lượng sinh được 3 người con, trưởng nam là Gia Cát Chiêm, sinh năm 217. Sau Chiêm là 2 em gái tên Hoài và Quả.

Ngay từ nhỏ, Gia Cát Chiếm đã sớm cho thấy tư chất thông minh, được kì vọng sẽ trở thành người kế thừa cơ nghiệp của cha. Nhưng điều đáng nói, dù Gia Cát Lượng nhận thấy con trai mình là kẻ có tài năng nhưng ông lại lo nhiều là hơn là mừng.

Cụ thể, Sử Tam Quốc chí có chép rằng, năm 225, khi Chiêm mới lên 8 tuổi, Lượng khi đó ở huyện Vũ Công từng viết thư gửi anh trai mình là Gia Cát Cẩn ở Đông Ngô,  nhận xét về con trai cả như thế này: “Chiêm nay đã tám tuổi, thông tuệ khải ái, hiềm là nó sớm chín, sợ rằng chẳng làm nên nghiệp lớn sau này”. Thật không ngờ, lời nhận xét của Lượng về Chiêm năm đó sau này đã thực sự ứng nghiệm.

Khi đến tuổi trưởng thành, Chiêm nổi danh nước Thục không kém gì cha ở sự thông tuệ, hiểu rộng nhớ dai cũng như cầm kì thi họa. Khả năng giao tế khéo léo, hòa nhã giúp Chiêm thu phục nhân tâm và được nhiều nhân sĩ theo về. Người nước Thục đa số đều tin rằng Chiêm sẽ bắt kịp cha Gia cát Lượng.

Năm 234, Gia Cát Lượng mất ở Gò Ngũ Trượng, trong chiến dịch Bắc Phạt lần thứ 6. Chiêm khi đó mới 17 tuổi, được Hậu chủ Lưu thiện gả công chúa và phong làm Kỵ Đô Úy. Năm 18 tuổi, Chiêm được thăng làm Vũ lâm Trung Lang tướng. Chưa đầy 20 tuổi, Chiêm nắm chứ Thượng thư Bộc xạ, gia thêm chức Quân sư tướng quân, tập tước Vũ hương Hầu.

Lời 'tiên tri' của Gia Cát Lượng về kết cục bi kịch dành cho con trai - 1
Lời "tiên tri" của Gia Cát Lượng về con trai của mình, quả thực đã ứng nghiệm

Sở học hơn người, được Hậu chủ, các quan trong triều cũng như người dân quý trọng, lại là con trai duy nhất của Gia Cát Lượng, con đường công danh của Chiêm đúng là hanh thông toàn diện. Tuy nhiên, thiếu sót của Chiêm là ông không có kinh nghiệm đánh trận. Mà thực tế này chủ yếu là do nguyên nhân khách quan.

Khi Gia Cát Lượng năm lần bảy lượt Bắc Phạt, Chiêm vẫn ở tuổi thiếu niên nên không thể theo cha ra trận. Lưu ý là thời điểm Lượng qua đời, Chiêm cũng mới chỉ 17 tuổi. Giá như Chiêm được sinh sớm vài năm thì ông đã có cơ hội để học hỏi và lĩnh hội những giá trị quý báu từ cha mình trong thực chiến.

Khi Lượng mất, Khương Duy kế thừa sự nghiệp Bắc Phạt, trở thành người đứng đầu trong quân sự Nhà Thục còn Chiêm, dù danh tiếng ngày một lớn mạnh, nhưng vẫn chỉ là quan trong triều, tập trung vào việc chỉnh đốn triều chính và hỗ trợ quân lương cho Khương Duy.

Nhưng tử trận trong trận đánh lớn đầu tiên và duy nhất

Năm 261, Gia Cát Chiêm được phong Hành đô hộ Vệ tướng quân, cùng với Đổng Quyết coi chính sự. Tuy nhiên triều đình khi đó bị lũng đoạn bởi thế lực của hoạn quan Hoàng Hạo. Sai lầm lớn nhất của Chiêm là không sớm diệt trừ Hoàng Hạo, để hoạn quan này nhiều lần sàm tấu với Hậu chủ Lưu Thiện làm lỡ việc quân cơ. Hậu quả dẫn đến diệt thân sau này.

Lời 'tiên tri' của Gia Cát Lượng về kết cục bi kịch dành cho con trai - 2
Gia Cát Chiêm được kì vọng sẽ theo kịp cha mình - Khổng Minh, nhưng...

Năm 263, quân Ngụy do tướng Chung Hội và Đặng Ngải chỉ huy dẫn 18 vạn quân chinh phạt nước Thục. Cánh quân của Chung Hội bị Khương Duy, Đổng Quyết, Liêu Hóa, Trương Dực chặn lại. Trong khi đó, Đặng Ngải dẫn quân lẻn qua đường núi Âm Bình, vượt qua Cảnh Cốc, mưu đánh úp Thành Đô.

Khi đó hầu hết các tướng lĩnh đều theo Khương Duy giữ phòng tuyến Kiếm Các, Hậu Chủ bèn lệnh cho Gia Cát Chiêm ra chống lại Đặng Ngải. Đấy là lần đầu tiên trong đời, trưởng nam của Gia Cát Lượng đích thân cầm quân chinh chiến. Cũng là lần cuối cùng của Chiêm!

Gia Cát Chiêm lĩnh quân, đem các tướng Gia Cát Thượng, Trương Tuần, Hoàng Sùng, Lý Cầu ra chống Ngụy. Chiêm dẫn quân đóng giữ Phù Thành, quân tiên phong bị phá, Chiêm thua liên tiếp nhiều trận. Sau đó Chiêm, theo lời khuyên của Hoàng Sùng, lui về giữ ải Miên Trúc.

Đặng Ngải thừa thế kéo đến Miên Trúc, đưa thư dụ Gia Cát Chiêm: “Nếu ngài theo hàng, tôi sẽ dâng biểu xin cho làm Lang Nha Vương”. Chiêm đọc thư xong phẫn nộ, chém sứ giả, rồi dẫn quân ra nghênh địch. Trận này Chiêm thua to, bị quân Đặng Ngải giết trên chiến trường.

Lời 'tiên tri' của Gia Cát Lượng về kết cục bi kịch dành cho con trai - 3
... ông rốt cuộc chỉ là "bản sao" tầm thường của người cha danh tiếng lãy lừng

Chiêm chết, con Chiêm là Gia Cát Thượng xông thẳng vào đám loạn quân và tử trận nốt. Nhưng Tàn binh của Thục làm sao có thể thể chống nổi quân Ngụy, kết cục các tướng Hoàng Sùng, Lý Cầu, Trương Tuân đều tử trận. Ải Miên Trúc bị mất, Hậu chủ đầu hàng, Thục Hán mất nước.

Sử gia Trung Quốc đời sau nhận định về Chiêm thế này: “Chiêm dẫu có trí chẳng đủ phù giúp lúc nguy nan, có dũng chẳng đủ để cự địch, mà bên ngoài chẳng giúp được quốc gia, bên trong chẳng thể thay đổi triều chính, mà hiếu trung còn mãi”.

THANH XUÂN (SHTT)