Dân nhậu lơ là với mức phạt độ cồn!

06/12/2020 08:51:53

Mặc dù mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện lên tới hàng chục triệu đồng, tước bằng lái từ 1 đến 2 năm nhưng nhiều người lại thờ ơ sau một thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh

Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) có hiệu lực từ đầu năm 2020, được kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến ý thức người tham gia giao thông, giúp kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) nhưng sau khi trở lại nhịp sống bình thường sau dịch Covid-19, "cú đấm thép" này dường như đang mất uy lực.

Một tháng phạt gần 60 tỉ đồng

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an), chỉ từ ngày 15-10 đến 14-11, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện 13.046 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 83 người dương tính với ma túy. Tổng số tiền mà CSGT đã ra quyết định xử phạt là 59,3 tỉ đồng.

Số liệu thống kê cho thấy có hơn 6.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức 1 (dưới 0,25 mg/lít khí thở), gần 2.300 trường hợp vi phạm mức 2 (từ 0,25 mg - 0,4 mg/lít khí thở). Đặc biệt, có tới hơn 4.300 trường hợp vi phạm ở mức 3, mức cao nhất theo Nghị định 100/2019 (trên 0,4 mg/lít khí thở).

Dân nhậu lơ là với mức phạt độ cồn!
Cảnh sát giao thông kiểm tra độ cồn ở TP Hà Nội

Nhìn nhận về thực trạng trên, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) quốc gia, cho rằng thời điểm có dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hoạt động xã hội đều bị chùng lại. Trong giai đoạn đó, TNGT giảm rất sâu do nhu cầu đi lại giảm nên việc thực hiện Nghị định 100 không có vấn đề gì. "Thực tế, giai đoạn trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và Việt Nam có những giải pháp quyết liệt, hiệu lực của Nghị định 100 rất rõ ràng, TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí. Đến thời điểm này, khi đã nới lỏng cách ly xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trở lại số người tiêu thụ rượu, bia cũng tăng theo" - ông Minh phân tích.

Vô tư lái xe sau nhậu

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trưa 5-12 tại nhiều nhà hàng quán ăn trên các tuyến phố của Hà Nội như: Văn Quán; Giáp Nhất; Thượng Đình; Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân); Hoàng Cầu; Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) hay Miếu Đầm; Đỗ Đức Dục (quận Nam Từ Liêm); Dương Đình Nghệ; Trần Thái Tông (Cầu Giấy)… đều đông đúc khách hàng. Điều đáng nói, phần lớn các thực khách khi đã ăn uống no say đều tự đi về bằng phương tiện cá nhân của mình.

Một chủ cửa hàng trên phố Thượng Đình, cho biết Nghị định 100 khi mới có hiệu lực, cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt nên người dân chấp hành nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều người bắt đầu ít quan tâm và tìm cách lách luật nhiều hơn. "Nhà hàng tôi luôn khuyến cáo khách hàng đã sử dụng bia, rượu thì nên đi phương tiện công cộng. Tuy nhiên, rất hiếm người đi xe ôm hay đi taxi về" - chủ nhà hàng nói.

Vừa điều khiển xe máy ra khỏi quán trên đường Nguyễn Trãi, anh Phạm Văn Quý (32 tuổi lái xe ôm ở quận Hoàng Mai), cho biết bình thường anh không uống bia nhưng hôm nay gặp bạn nên có uống ít cốc bia hơi. "Uống rượu, bia rồi tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông là sai quy định của pháp luật nhưng nhà gần đây nên tôi sẽ đi vào các ngõ để tránh lực lượng công an" - anh Quý nói về hành vi phạm luật.

Cần siết chặt

Để hạn chế tài xế điều khiển giao thông trong tình trạng say xỉn, ông Trần Hữu Minh cho rằng việc thực hiện Nghị định 100 là chủ trương xuyên suốt lâu dài chứ không chỉ làm theo chương trình cao điểm rồi lại thôi. Do đó, lực lượng chức năng cần quyết liệt, siết chặt thực hiện Nghị định 100 vào thời điểm này. "Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ Công an đã triển khai có chiều rộng, chiều sâu xuyên suốt không có điểm dừng, quyết tâm thực hiện nghiêm Nghị định 100" - ông Minh nhấn mạnh.

Trước những diễn biến phức tạp trở lại của tình hình trật tự an toàn giao thông, trung tá Vũ Anh Điệp, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, cho biết thời gian tới, Cục CSGT tiếp tục chỉ đạo CSGT các địa phương thực hiện có hiệu quả kế hoạch, nhằm ngăn chặn kịp thời các vụ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Mục tiêu trọng tâm là tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như vi phạm nồng độ cồn, ma túy. 

Tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19

Trung tá Vũ Anh Điệp cho hay lực lượng CSGT toàn quốc từ nay đến cuối năm tập trung công tác tuyên truyền, tăng cường lực lượng, phương tiện thiết bị nghiệp vụ tiếp tục tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm tuyệt đối trật tự an toàn giao thông phục vụ bảo vệ Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời phòng ngừa ùn tắc và tai nạn giao thông những tháng cuối năm. Khi kiểm tra nồng độ cồn, thực hiện theo điện chỉ đạo của Bộ Công an, khuyến cáo của Bộ Y tế, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thao tác sử dụng thiết bị, bảo đảm vệ sinh, sát khuẩn dụng cụ đo, sử dụng ống thổi riêng cho từng người, bảo quản và tiêu hủy đúng quy định của ngành y tế đối với găng tay, khẩu trang, ống thổi đã qua sử dụng.

Theo Nguyễn Hường (Nld.com.vn)