TP.Hà Nội đã mua được 100.000 test để triển khai thí điểm sàng lọc ung thư đại trực tràng cho toàn bộ người dân thủ đô có độ tuổi từ 40 trở lên.
Phía BV Xanh Pôn cho biết, Chủ tịch Chung là người trực tiếp đi đàm phán mua hệ thống tầm soát ung thư nói trên.
Sàng lọc miễn phí cho người có thẻ BHYT
Sau 1 tuần, đến nay hệ thống đã được lắp đặt hoàn thiện tại Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hoá Hà Nội (BV Xanh Pôn). Bước đầu TP mua 100.000 test để triển khai thí điểm sàng lọc ung thư đại trực tràng từ giữa tháng 12 này.
Tiến tới nhân rộng tầm soát cho toàn bộ gần 2 triệu người dân thủ đô có độ tuổi từ 40 trở lên - độ tuổi nên tầm soát ung thư đại trực tràng.
Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hoá Hà Nội vừa khánh thành ngày 27/11. Ảnh: T.Hạnh |
Lãnh đạo TP đã làm việc với cơ quan BHYT, thống nhất mức giá 63.200 đồng áp dụng cho người dân không có thẻ BHYT, những trường hợp có thẻ được sàng lọc miễn phí.
Tuy nhiên, đây là những xét nghiệm tầm soát ban đầu để phát hiện nguy cơ có bệnh hay không chứ không phải là xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh.
Để thuận lợi cho người dân, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Sở Y tế cùng với hệ thống 41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế, 52 phòng khám đa khoa và 584 trạm y tế phường xã của Hà Nội để cùng triển khai.
Người dân sẽ gửi mẫu phân cho các cơ sở y tế nói trên để tập hợp, sau đó sẽ gửi đến Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hoá Hà Nội để sàng lọc. Khi xét nghiệm xong, kết quả sẽ được gửi ngược trở lại để thông báo cho người dân.
Mỗi mẫu xét nghiệm sẽ được mã hóa code để tránh nhầm lẫn tuyệt đối và bảo mật thông tin.
Nếu mẫu xét nghiệm bình thường sẽ được khuyến cáo lặp lại sau 6 - 12 tháng.
Nếu kết quả dương tính, người dân sẽ được mời đến trung tâm để tiến hành các bước chẩn đoán tiếp theo như nội soi đại tràng… để xác định chính xác hơn, nếu có khối u thì ở giai đoạn nào.
BS Nguyễn Ngọc Sơn, chuyên gia tại Trung tâm cho biết, ngoài test nói trên còn có 1 số phương pháp tầm soát khác nữa như chụp CT ảo đại tràng, xét nghiệm DNA trong phân hay Septin 9 trong máu nhưng các phương pháp này rất đắt tiền, không thể áp được cho toàn dân ngay cả ở các nước phát triển.
Những ai nên tầm soát sớm hơn?
BS Sơn cho biết, thời gian từ khi hình thành polip trong đại trực tràng cho đến khi phát triển thành ung thư là quá trình kéo dài 10 -15 năm.
Do đó việc phòng bệnh ung thư đại trực tràng không phải là một sớm một chiều mà theo thời gian dài, với ý thức phòng bệnh cao.
Bên trong trung tâm đạt chuẩn quốc tế. Ảnh: T.Hạnh |
Trong đó lối sống lành mạnh, vệ sinh ăn uống và ăn nhiều rau củ quả… cùng với việc tầm soát định kỳ là cách hiệu quả nhất chống lại căn bệnh này.
BS Sơn cũng lưu ý, với một số trường hợp cần tầm soát sớm hơn và thường xuyên hơn.
Cụ thể là những người có tiền sử gia đình hay cá nhân mắc bệnh ung thư đại trực tràng hay polip đại trực tràng dù đã được cắt bỏ hoặc người có tiền sử bệnh viêm ruột mạn tính như Crohn và viêm loét đại trực tràng, tiền sử gia đình có hội chứng đa polip, hoặc có các biểu hiện như đi ngoài ra nhầy máu hay phân sẫm màu, đau chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn phân, thiếu máu, sụt cân, đặc biệt ở những người từ 50 tuổi trở lên.
Theo BS Sơn, những trường hợp dương tính với test sàng lọc sẽ phải làm nội soi đại tràng. Đây là biện pháp tầm soát và chẩn đoán xác định bệnh tốt nhất. Trong quá trình nội soi có thể cắt bỏ luôn polip nếu có để phòng tránh phát triển thành ung thư.
“Nếu kết quả nội soi hoàn toàn bình thường thì sau 5 - 10 năm mới cần làm nội soi lại”, BS Sơn lưu ý.
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)