Đổi mới nhưng… không mới
Đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học - cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020” được Bộ GDĐT phê duyệt hôm 17.4 vừa qua lập tức nhận được phản hồi dữ dội từ dư luận xã hội. Cụ thể, trong đề án này, tổng kinh phí thực hiện trong 3 năm từ năm 2018 - 2020 sẽ phải chi 749 tỷ đồng để thực hiện. Trong đó, năm 2018 sẽ chi 344 tỷ đồng, năm 2019 chi 203 tỷ đồng và năm 2020 số kinh phí là 201,6 tỷ đồng. Trong danh mục tính toán, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi được chú trọng với tổng số tiền là hơn 266 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018 dự kiến đầu tư hơn 84,7 tỷ đồng cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa…
Những con số này khiến không ít người “giật mình”, khi trước đó, nhiều lần Bộ GDĐT từng khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ giữ ổn định như năm 2017 và dự kiến sau năm 2020 mới điều chỉnh để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều này được tái khẳng định trong chính nội dung đề án mới. Như vậy, chỉ tính riêng mục chi 266 tỷ đồng để xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa có cần thiết? Sau 2020, chương trình thay đổi, ngân hàng câu hỏi này liệu có phải điều chỉnh? Kinh phí điều chỉnh khi đó sẽ thế nào?
Ngoài ra, các nội dung khác như: Hình thức thi, đề thi, coi thi, chấm thi, hình thức thi cũng được ghi rõ là không có gì mới trong 3 năm từ 2018 - 2020 ngoài việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và phần mềm phục vụ thi trên máy tính vào năm 2021. Nhiều người tỏ ý hoài nghi về con số “khổng lồ” gần 750 tỷ đồng sẽ chi như thế nào trong 3 năm?
Ngay khi nhận phản hồi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lập tức có công văn thu hồi đề án này và giải thích do có sự trùng lặp trong tính toán. Cụ thể, theo giải thích của lãnh đạo Bộ, nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, một số nội dung thiếu khả thi; một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi...
Mặc dù Bộ trưởng Nhạ đã chỉ đạo bộ phận soạn thảo nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án, dự án và tính toán tài chính, nhưng dư luận vẫn không khỏi “sốc” và “rùng mình” khi nhớ về những đề án cải cách giáo dục chi đến nghìn tỷ trước đó nhưng hiệu quả thì không được như mong muốn.
Đề án nghìn tỷ và nguy cơ phá sản
Trước đó, Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” cũng đặt ra khá nhiều mục tiêu lớn. Cụ thể, theo đề án này, đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập, tự tin; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người Việt Nam... Tổng kinh phí cho đề án là 9.378 tỷ đồng.
Đầu năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị về xử lý tài chính đối với Bộ GDĐT yêu cầu thu hồi nộp ngân sách hơn 50 tỷ đồng do đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 - 2020 không đạt được hàng loạt mục tiêu. Đề án này có kinh phí 14.000 tỷ đồng, mục tiêu là đến 2020 sẽ đào tạo được ít nhất 20.000 tiến sĩ. Tuy nhiên, đến 2017, đề án phải dừng tuyển sinh do kết quả đạt được quá thấp. Thống kê đến 2016, tổng số nghiên cứu sinh trúng tuyển thực nhập học là 4.024, đạt 31,4% so với chỉ tiêu của đề án tính đến năm 2016 và chưa đạt 20% so với mục tiêu chung của toàn bộ đề án.
Tuy nhiên, hiện tại dù đã đi được 80% chặng đường theo kế hoạch nhưng những kết quả vẫn chưa tương xứng với mục tiêu đề ra. Cụ thể, đến năm 2015, tỷ lệ học sinh phổ thông theo học chương trình tiếng Anh 10 năm mới đạt 23,6% (tiểu học đạt 53,3%, THCS đạt 10,2% và THPT chỉ đạt 1,3%). Đặc biệt, đội ngũ giáo viên được cho là nòng cốt của đề án, sau nhiều năm đào tạo bồi dưỡng vẫn chiếm một tỷ lệ rất thấp đạt chuẩn. Kết thúc năm học 2015 - 2016, cả nước mới có 37,19% giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ; con số này là 36,7% với giáo viên tiếng Anh THCS và 26,12% với giáo viên tiếng Anh THPT. Trong khi đó, số tiền đã chi cho đề án này tính đến năm 2015 đã là hơn 3.829 tỷ đồng.
Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) được Bộ GDĐT triển khai khá rầm rộ từ năm 2011 với tổng số vốn 87,6 triệu USD (khoảng 1.900 tỷ đồng). Đến năm học 2015-2016, có trên 3.700 trường tiểu học triển khai áp dụng mô hình; hơn 1.600 trường THCS đăng ký tham gia triển khai mô hình trường học mới đối với lớp 6.
Tuy nhiên, hàng loạt các tỉnh đi đầu trong việc áp dụng mô hình VNEN vào giáo dục như Nghệ An, Hà Tĩnh, Đăk Lăk… đều lên tiếng muốn dừng đi theo mô hình học này sau một thời gian triển khai vì gặp quá nhiều khó khăn khi áp dụng vào thực tế. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sau đó cũng phải thừa nhận những bất cập và… nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Xây dựng đề án cần trúng và đúng
“Việc xây dựng đề án giáo dục về thi THPT là điều nên làm và cần hoàn thiện sớm. Tuy nhiên để các đề án muốn “trúng và đúng” thì cần phải giải quyết được các vấn đề sau: Quá trình học tập trong nhà trường cần phải là học thật, dạy thật, không chạy theo thành tích. Cần phải xây dựng được mối liên kết, phối hợp giữa THPT với bậc đại học và các trường dạy nghề. Các nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Mỹ, Đức… thì việc học THPT là nhằm phục vụ cho việc phân hóa nghề nghiệp sau này. Thế nhưng ở Việt Nam thì chưa làm được điều đó”.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội
Chú trọng thi hơn học là sai lầm
“Chúng ta từ lâu tới nay, vẫn chú trọng vào việc thi hơn học, đây là một quan điểm sai lầm. Nền kiến thức của bậc học phổ thông có tính phổ cập, cung cấp tri thức chung nhất và tối thiểu cho người dân, không hạn chế số lượng. Ngược lại bậc đại học là để đào tạo chuyên gia, cán bộ chuyên sâu về một lĩnh vực. Chính vì vậy, việc gộp hai kỳ thi lại thành một gây ra nhiều vấn đề trong xã hội nếu chỉ có một kỳ thi.
Vì vậy, dù có đầu tư hàng trăm, nghìn tỷ, nhưng bước đi ban đầu đã chệch hướng thì rất khó để có thể có được kết quả đúng đắn. Cần phải giải quyết ở cái gốc là tách hai kỳ thi chứ không phải ở phần ngọn là thi như thế nào.
Ngoài ra, sớm bắt đầu từ đổi mới việc học (chương trình - sách giáo khoa), đội ngũ truyền tải (giáo viên), rồi mới đến đổi mới cách thi cử, sẽ thuận hơn, hợp với logic. Điều quan trọng, đổi mới khâu nào, bắt đầu từ yếu tố nào cũng phải nằm trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo mới thành công, tránh được lãng phí”.
GS-TS Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Theo Việt Phương (Dân Việt)