Sau khi tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng xảy ra những vụ tai biến sản khoa nghiêm trọng khiến 2 người tử vong, 1 người nguy kịch nghi do thuốc gây tê Bupivacaine wpw spinal 0 ,5% heavy (Bupivacaine 0,5% 20mg/4ml), Bộ Y tế đã tiến hành kiểm nghiệm chất lượng thuốc.
Chiều 29/11, ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho hay 13/16 chỉ tiêu kiểm nghiệm xong, đều đạt yêu cầu. 3 chỉ tiêu nữa vẫn đang trong quá trình đánh giá, việc này cần có thêm thời gian thực hiện.
"Cuối tuần tới dự kiến sẽ có kết quả", ông Lâm khẳng định.
Trước đó, như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, trong vòng chưa đầy 1 tuần và 1 tháng qua, 3 sản phụ đến Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng sinh, sau khi tiêm gây tê 2 người đã tử vong, 1 người nguy kịch.
Hai sản phụ là V.T.N. S. (34 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) và N.T.H (33 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) vào viện cùng ngày 17/11. Lô thuốc 3 sản phụ này được tiêm đều được nhập từ ngày 22/10/2019.
Đối với sản phụ Nguyễn Thị Huyền, người rơi vào tình trạng nguy kịch sau tiêm gây tê tuỷ sống để mổ đẻ tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng ngày 17/11, chiều 29/11, chị Huyền đã xuất viện do sức khỏe ổn định.
Cục Quản lý Dược cho biết đã chỉ đạo Sở Y tế Đà Nẵng, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn báo cáo tổng hợp những trường hợp tai biến xảy ra. Các báo cáo này phải được gửi kịp thời về Trung tâm thông tin và theo dõi tác dụng phụ của thuốc thuộc Bộ Y tế để phân tích, rà soát.
Sau khi xảy ra liên tiếp các vụ tai biến nghiêm trọng tại Đà Nẵng, Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 – đơn vị cung ứng thuốc này - đã có công văn gửi các sở y tế trong cả nước về việc tạm dừng cung ứng mặt hàng thuốc này và đề nghị các cơ sở y tế tạm dùng thuốc trong khi chờ các cơ quan kiểm nghiệm thuốc. Đồng thời, công ty cũng bố trí nguồn thuốc ở Pháp có cùng hoạt chất để các cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc này.
Cục Quản lý Dược đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát lại các hồ sơ đăng ký; đẩy nhanh tốc độ cấp giấy đăng ký lưu hành để bổ sung thuốc cho các cơ sở y tế; chỉ đạo các cơ sở y tế trong danh mục mua sắm trúng thầu của mình, sử dụng các biện pháp mua sắm làm sao đảm bảo nguồn thuốc phục vụ công tác điều trị trong trường hợp cần sử dụng thuốc.
Trong năm nay, nhiều bệnh nhân tại Đồng bằng Sông Cửu Long (Long An, Bến Tre) cũng gặp những tai biến tương tự sau khi sử dụng 1 loại thuốc gây tê được sản xuất tại Ba Lan: Bupivacaine wpw spinal 0 ,5% heavy (Bupivacaine 0,5% 20mg/4ml).
Theo đại diện Sở Y tế Cần Thơ, thuốc gây tê Bupivacaine sản xuất tại Ba Lan đã trúng thầu cung ứng cho các bệnh viện từ năm 2019 do có giá rẻ hơn các thuốc cùng loại. Một số tỉnh như Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Quảng Nam đã tạm dừng loại thuốc này, thay thế bằng loại thuốc do Pháp sản xuất.
Theo Võ Thu (Giadinh.net.vn)