Sau ngày mai, mưa sẽ giảm
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, từ chiều tối nay 11/9 đến sáng sớm mai 12/9, khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, cục bộ có nơi trên 120mm.
Dự báo ngày và đêm 12/9, khu vực phía Đông Bắc Bộ, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình tiếp tục có mưa, mưa vừa và có nơi có dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm.
Thông tin chi tiết hơn, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ đêm qua đến hôm nay, mưa vẫn xảy ra ở vùng núi trung du Bắc Bộ nhưng lượng mưa đã giảm so với 2 ngày trước đó. Riêng trong ngày hôm nay, mưa tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ và kéo vào đến Bắc Trung Bộ.
"Đến hết ngày mai, mưa vẫn còn tiếp diễn, chủ yếu ở Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sau ngày mai, mưa sẽ giảm. Tuy nhiên, người dân cần đề phòng vì mưa lũ còn diễn biến phức tạp", ông Khiêm nói.
Mực nước sông Hồng tại Hà Nội đang chững lại, nội đô an toàn
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cập nhật lúc 18h hôm nay (11/9): mực nước trên sông Hồng tại trạm Hà Nội có cường suất chảy là 0 cm. Đây là trạng thái đứng của mực nước, dự báo mực nước sẽ giảm dần trong đêm 11/9.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho biết, từ đêm qua đến sáng nay, lũ trên sông Hồng có xu hướng tăng, 10 giờ sáng nay, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội đã lên 11,02m, thấp hơn báo động 3 0,48m.
Tuy nhiên, mực nước thực đo vào lúc 15h, 16h, 17h ngày 11/9 đều đứng yên, thấp hơn mức báo động 3 0,28m.
Ông Võ Văn Hoà, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho rằng, đây là đợt lũ hiếm gặp, đến thời điểm hiện tại, tất cả các sông như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Thao, sông Lô nhiều điểm đo đều trên mức báo động 3, điểm đo trên sông Thao còn vượt giá trị lịch sử.
"Do mực nước trên các sông vẫn còn cao nên nguy cơ ngập lụt vẫn còn diễn ra trong vài ngày tới. Điều này rất giống đợt lũ các năm 2006, 2008 gây ngập úng kéo dài", ông Hòa cảnh báo.
Dự báo con số sát hơn, ông Hòa cho biết, Hà Nội sẽ xảy ra ngập úng ở ven các sông chính như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy.
"Đáng chú ý, lũ trên các sông nhánh như sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ đang ở mức báo động 3 nên có nguy cơ ngập úng diện rộng. Các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Quốc Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn,... sẽ chịu ảnh hưởng của các hệ thống sông nhỏ, gây ngập úng cục bộ", ông Hòa nói.
Ngoài ra, ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo Khí tượng thủy văn, Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, thông tin sẽ ngập vào nội thành Hà Nội là không chính xác, mức nước sông Hồng có lên thì việc ngập úng cũng chỉ xảy ra ở khu vực ngoài đê như Phúc Tân, Phúc Xá, Bạch Đằng, không thể nào vào trong nội thành được.
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hoàn lưu bão số 3 với phạm vi ảnh hưởng rộng gây mưa lũ lớn tại các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa. Thiệt hại do bão và hoàn lưu bão số 3 vô cùng nặng nề.
Theo báo cáo, tính đến 17h30' ngày 11/9, đã có 324 người chết, mất tích (179 người chết, 145 người mất tích). Trong đó, Lào Cai chịu thiệt hại nặng nề nhất, với 72 người chết và 111 người mất tích.
Theo Duy Anh (Nguoiduatin.vn)