Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình chia sẻ với Báo Người Lao Động về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra tại Việt Nam.
"Why Vietnam?"
Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, từng làm Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông từng học ở Triều Tiên từ 1965-1970, cán bộ công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên những năm 1973-1977.
Trong những ngày tới, tại Việt Nam sẽ diễn ra một sự kiện lớn được thế giới rất trông đợi - đó là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Mọi người vẫn không ngừng đặt ra câu hỏi tại sao trong rất nhiều lựa chọn, hai quốc gia lại chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị?
Đây là sự lựa chọn xuất phát từ nhiều nhân tố tổng hợp, song theo tôi có 3 lý do. Thứ nhất, Việt Nam có quan hệ tốt với cả 2 bên. Với Mỹ, sau 24 năm bình thường hoá quan hệ, đến nay hai bên là đối tác toàn diện. Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ta. Từ khi bình thường hoá quan hệ đến nay, tất cả các đời Tổng thống Mỹ đều sang thăm Việt Nam. Quan hệ mở rộng từ chính trị, kinh tế, kể cả an ninh...
Còn với Triều Tiên là quan hệ truyền thống. Một thời kỳ dài quan hệ 2 nước rất mặn mà, một trong những biểu tượng đó là mấy trăm sinh viên Việt Nam đã được đào tạo tại Triều Tiên và sau này trở thành những người có vị trí trong các lĩnh vực khác nhau như ngoại giao, kinh tế, lãnh đạo tỉnh, bộ, ngành... Tất nhiên có thời gian quan hệ không phát triển mạnh, nhưng chúng ta vẫn cùng Triều Tiên giữ quan hệ tốt đẹp, duy trì Đại sứ quán suốt nhiều năm nay. Triều Tiên trước đây giúp Việt Nam nhiều trong chiến tranh (như thực phẩm, thuốc men, phân bón, sắt thép...), sau này Triều Tiên khó khăn, Việt Nam hỗ trợ.
Quan hệ cả 2 bên với Việt Nam đều tốt tạo ra sự yên tâm rằng Việt Nam sẽ không có sự thiên vị, điều đó chắc chắn họ coi là yêu cầu hàng đầu.
Thứ hai, lịch sử Việt Nam rất đặc biệt, từ đất nước bị chiến tranh tàn phá, đói nghèo, lạc hậu, giờ chúng ta chuyển mình mạnh mẽ, đổi mới hội nhập quốc tế, kinh tế phát triển, vị thế quốc tế được nâng lên, tham gia gìn giữ hoà bình quốc tế, tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn, điển hình là APEC... Tôi nghĩ mô hình, hoàn cảnh phát triển của Việt Nam rõ ràng là thu hút được sự quan tâm của cả 2 bên và họ cũng muốn coi đây là một gợi ý để cho quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ cũng như với nước khác là sự phát triển lâu dài.
Lý do thứ 3 là địa điểm, về địa lý thì không xa Triều Tiên, thậm chí gần hơn so với Singapore. Thượng đỉnh tổ chức ở Hà Nội, nơi cả 2 bên đều biết rõ, có đại sứ quán để an tâm cả về mặt hậu cần và an ninh bảo vệ.
Thượng đỉnh lần này có gì khác lần trước?
Điều thứ hai khiến dư luận hết sức quan tâm là người ta có thể trông đợi gì ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 này?
Tôi nghĩ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên rất quan trọng, mở ra một chương mới trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên. Quan hệ Mỹ - Triều đã khác và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng đã được củng cố một bước.
Vậy lần thượng đỉnh này sẽ thế nào? Chắc chắn phải có tiến triển hơn, nhiều động thái cho thấy điều đó. Phía Triều Tiên cử phái viên sang Mỹ và Mỹ cũng đã cử ngoại trưởng, các phái viên khác đến Triều Tiên rất nhiều lần. Tôi cho rằng khi hai bên thấy chắc chắn sẽ đạt được một thỏa thuận thì mới đồng ý tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2, nếu không sẽ tiếp tục gặp cấp chuyên viên.
Thứ hai, tuyên bố từ phía Triều Tiên cho thấy mong muốn có đột phá, còn phía Mỹ nói hy vọng sẽ có một cú hích quan trọng. Sức ép của Mỹ cũng "giảm nhiệt". Trước đây, Mỹ nói sẽ chỉ bỏ cấm vận, trừng phạt khi nào Triều Tiên giải giáp, phá hủy hoàn toàn hạt nhân. Nhưng Tổng thống Trump gần đây lại nói Mỹ không muốn ép phải làm ngay. Phía Mỹ tỏ rõ thiện chí không muốn vô hiện hóa những cố gắng của nhau. Hai bên sẽ luôn luôn đáp lại nhau, mỗi bên tiến một bước.
Chắc chắn mỗi bên sẽ có tuyên bố về những vấn đề mình đang làm, thế mạnh của mình. Một bên sẽ nói về việc giải giáp vũ khí hạt nhân như thế nào, có thể nêu việc thanh sát những địa điểm đã hủy bỏ một cách đơn phương, phía Mỹ có thể sẽ nêu một số điểm họ không nhất thiết phải áp dụng trừng phạt: Ví dụ như vấn đề nhân đạo. (về vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh, Triều Tiên cũng đã chuyển tro cốt, tư liệu cho phía Mỹ và phía Mỹ đánh giá cao thiện chí này). Đặc biệt, sẽ bàn về điều mà Triều Tiên vẫn mong muốn trước đây là bình thường hóa quan hệ bằng một hiệp ước hòa bình. Tôi không nghĩ hiệp ước này có ngay được vì nó liên quan đến nhiều bên (như những bên tham chiến trước đây, Trung Quốc, Liên Hiệp Quốc…) tuy nhiên sẽ có một tuyên bố dưới hình thức nào đó thể hiện chiến tranh đã qua, hòa bình, bước đầu trao đổi cơ quan đại diện ngoại giao không chính thức. Chắc chắn để tiến tới hiệp định hòa bình sẽ còn phải có một số cuộc nữa.
"Sánh vai với các cường quốc năm châu"
Trước đây cứ nhắc đến Việt Nam là nhiều người nghĩ đến chiến tranh. Chúng ta đã nhiều lần lên tiếng "đừng nhìn Việt Nam như một cuộc chiến, hãy nhìn Việt Nam như một đất nước hòa bình, phát triển, mở rộng cửa". Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này đánh dấu vị thế Việt Nam đã khác.
Trước đây, Việt Nam đã lên tiếng sẵn sàng làm bạn, làm đối tác tin cậy với các nước và sau đó chúng ta đã thực sự làm được điều đó, đã mở cửa, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực, đăng cai các diễn đàn, nhiều sự kiện quan trọng: ASEM, APEC… Còn hiện nay, Việt Nam đã được lựa chọn để tổ chức sự kiện quan trọng này trong khi rất nhiều nước sẵn sàng tổ chức: Thái Lan muốn, có thể Trung Quốc, Mông Cổ cũng muốn. Không phải là lời kêu gọi "hãy đến với chúng tôi" mà người ta đã tự động đến với mình, điều này cho thấy Việt Nam ở vị thế cao hơn nhiều so với trước đây cả về chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế. Rõ ràng Việt Nam hiện nay khác với quá khứ, gắn với hòa bình, ổn định.
Singapore cho biết sau khi tổ chức thượng đỉnh lần thứ nhất đã được lợi rất nhiều, từ khách quốc tế, uy tín quốc tế, sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp… Tôi tin sau thượng đỉnh lần này, khách du lịch sẽ tăng, đầu tư nước ngoài cũng sẽ tăng. Những năm đầu, ta hoan nghênh đầu tư, thậm chí có lúc đi theo đầu tư là cả những công nghệ lạc hậu, song hiện nay ta lựa chọn đầu tư, những gì mình cần chứ không phải đầu tư bằng mọi giá. Nhà đầu tư sẽ đến với Việt Nam nhiều hơn, vừa qua đang có những tranh chấp thương mại nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn lựa chọn Việt Nam, đến nay điều này sẽ lại càng được củng cố.
Tôi vẫn nhớ bức ảnh chụp tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng, trong đó bên cạnh nguyên thủ ta là nguyên thủ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức và nhiều cường quốc khác. Có thể thấy điều đó như những gì Bác Hồ mong muốn "Việt Nam sẽ sánh vai với các cường quốc năm châu", điều này mang tính chất biểu tượng, thể hiện rõ Việt Nam không chỉ mong muốn mà nay đã có vị thế chủ động hơn nhiều và vai trò được thể hiện trên trường quốc tế.
Theo Dương Ngọc (Nld.com.vn)