Tìm đến nhà liệt sĩ Nguyễn Văn Kế không khó khi hỏi thăm người dân nào cũng nhiệt tình chỉ đường: "Không còn là liệt sĩ nữa! ông Kế trở về rồi". Trong căn nhà cấp 4, bà Hẩy nấc nghẹn: "Ở cái tuổi gần đất xa trời, lâu nay tôi chỉ có một mình còm cõi, không dám nghĩ cuộc đời còn nở được nụ cười".
Bà Hầy trầm ngâm cho biết: "Tưởng con đã hy sinh, ai ngờ tháng 9/2017, Kế bất ngờ trở về. Mừng thì quá mừng rồi nhưng hàng ngày thấy con đau ốm, hơn 60 tuổi không có nổi một mụn vợ con mà cậy nhờ lúc trái gió trở trời…, tôi đau lòng lắm. Tôi cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa. Mấy hôm nay Kế bị sốt, ho nhiều nên đi Bệnh viện K71 rồi. Kể từ ngày trở về, Kế thường xuyên đau ốm với nhiều loại bệnh do ảnh hưởng vết tích từ chiến tranh, trí nhớ suy giảm, lúc nhớ, lúc quên".
Bà Hẩy nhớ lại: "Như lời con trai tôi kể thì vào tháng 4/1978, Kế nhập ngũ tại đơn vị F442 Quân khu 4 đóng trên địa bàn huyện Nông Cống. Sau 3 tháng huấn luyện thì chuyển đến đơn vị D8E3F330 thuộc quân khu 9, đóng và chiến đấu tại biên giới Tây Nam. Sau đó đơn vị chuyển sang Campuchia, nơi những cánh rừng đầy giặc PolPot. Đơn vị Kế chiến đấu có người hy sinh, đội ngũ thất lạc. Kế bị bắt, bị đánh đập, sau đó bỏ trốn được vào trong những cánh rừng âm u. Kể từ đó Kế bước chân vào cuộc phiêu bạt hơn 40 năm nơi xứ người. Con trai tôi phải chạy qua bao cánh rừng, đối mặt với bao lần chết hụt vì đói khát cơ hàn. Kế phải ăn cỏ, ăn lá rừng để sống và khát khao trở về với mảnh đất quê nhà".
Cũng theo lời bà Hẩy, ông Kế bảo cứ đi mãi rồi cuối cùng cũng ra đến bờ biển và dạt vào khu dân cư đất bạn. Đói khát, sống lay lắt một thời gian dài, ông mới biết mình đang sinh sống trên đất Thái Lan. Vì không biết tiếng, không xin được một công việc nào cụ thể nên ông Kế đi lượm nhặt ve chai. Lượm nhặt được bao nhiêu thì đưa cho người dân rồi họ cho tiền, cho cái ăn, cho chỗ ở.
Cứ thế, ngày đi nhặt ve chai, tối đến ông lại nằm nhớ nhà, nhớ đồng đội, không biết phải làm sao để có thể trở về! hy vọng. Thời gian, bệnh tật cứ thế gặm nhấm thân thể ông. Cho tới một ngày, ông gặp được vị cứu tinh - một thương nhân buôn bán người Việt trên đất Thái. Hạnh phúc vỡ òa khi câu chuyện cuộc đời của ông Kế được vị thương nhân Trần Văn Sáu chia sẻ và tình nguyện tìm cách đưa ông trở về Việt Nam.
"Ông thương nhân ấy tốt lắm! Ông ấy cho điện thoại, mua sim rồi lên mạng tìm kiếm thống tin, liên lạc báo về địa phương. Sau khi đăng thông tin lên mạng, chỉ mấy giờ đồng hồ sau đã có cán bộ xã gọi điện xác minh. Khi nghe người ta bảo mình là liệt sỹ, Kế giật mình, nhưng rồi nghĩ lại cũng đúng. Mấy chục năm không một tin tức thì ai chẳng nghĩ là đã chết!" – bà Hẩy kể.
Ngay sau khi thông tin về ông Kế được đưa lên Facebook, cộng đồng mạng đã liên tiếp chia sẻ và may mắn thay, ông Lê Bá Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tân cùng đồng nghiệp đã nhận thấy ông Kế giống với thông tin của một liệt sỹ ở địa phương mình. Chính quyền xã đã xác nhận thông tin và trao đổi trực tiếp với ông Kế. Chính quyền đã tư vấn cho ông Kế xin đi nhờ xe về Việt Nam. Cán bộ xã cũng đã phối hợp với gia đình ông Kế để đón ông ở biên giới tỉnh Kiên Giang.
Trao đổi với PV, chị Lê Thị Ngân, cán bộ chính sách thị trấn Tân Phong (ngày 16/10/2019, xã Quảng Tân sáp nhập vào thị trấn Quảng Xương và đổi tên thị trấn Quảng Xương thành thị trấn Tân Phong) cho biết: "Sau khi "liệt sĩ" Kế trở về, các tổ chức đoàn thể tại địa phương thường xuyên thăm hỏi ông; đồng thời tạo điều kiện làm mọi chế độ chính sách, quyền lợi cho ông Kế như chế độ 62 đối với quân nhân tham gia nghĩa vụ quốc tế, chế độ người tàn tật.
Chính quyền đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành xác minh nhân thân, báo cáo cấp trên xem xét làm các chế độ theo quy định cho ông Kế. Tuy nhiên, hồ sơ của ông Kế không còn gì.
Theo quy định, bây giờ muốn làm chế độ cho ông Kế được thì quân khu hoặc đơn vị nơi ông ấy đóng quân, chiến đấu phải có hồ sơ lưu hoặc xác nhận đúng ông này đi bộ đội, có tham gia chiến trường thì mới đủ cơ sở đưa ông Kế đi giám định sức khỏe, xem ông ấy là thương binh hay bệnh binh rồi mới giải quyết được chế độ.
Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức nhưng phải theo quy định. Ở với mẹ già, ông Kế nay ốm, mai đau nên hoàn cảnh rất khó khăn, rất cần những tấm lòng sẻ chia của cộng đồng".
Theo Gia Hân (Giadinh.net.vn)