Có những câu chuyện về các cặp đôi mà người ta phải xếp vào danh mục "chuyện tình thế kỷ". Đơn giản bởi nó chứa đựng rất nhiều điều mà các thế hệ sau phải trầm trồ khi biết đến.
Một cặp đôi cô dâu chú rể đến với nhau bằng hôn nhân sắp đặt nhưng cuối cùng họ đã cùng nhau viết nên câu chuyện tình cổ tích. Đó là chuyện của bà Nguyễn Thị An và ông chồng Nguyễn Đức Chiểu.
Cuộc hôn nhân "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy"
Bà An sinh ra trong một gia đình có 6 người con và thuộc dạng giàu có, làm ăn lớn ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến).
Bà xinh đẹp có tiếng lại giỏi làm ăn buôn bán. Gia đình bà có nhà máy dệt chuyên dệt quần áo để bán. Bà buôn bán vải ở chợ Nam.
Vào thời điểm ấy, với một cô gái đương thì xuân sắc, nhan sắc mặn mà như bà An thì chuyện có nhiều người để ý là điều bình thường. Tuy nhiên, vì gia đình rất nghiêm khắc nên dù có "thoáng" trong chuyện yêu đương thế nào thì buổi tối 9 giờ mà chưa thấy con gái về, bố bà đã chờ sẵn để đánh phạt.
Hồi thanh xuân tươi đẹp đó, bà An đã yêu em út của ông Cự Giao, phú hào làng Cự Đà giàu có nổi tiếng.
Tuy nhiên, đó vẫn là thời đại thịnh hành chuyện "bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Bố mẹ bà An muốn gả con gái cho con trai nhà họ Nguyễn trên phố Tràng Tiền nên nhất quyết không đồng ý mối hôn sự kia.
Thậm chí, gia đình bà còn dọa rằng nếu bà nhất quyết không đồng ý thì tự đi mà cưới người khác, tự lo ăn mặc, bố mẹ sẽ lấy lại sạp vải ở chợ.
Cuối cùng, dù chẳng có chút tình yêu nào với thiếu gia nhà họ Nguyễn song bà An vẫn quyết định lên xe hoa.
Thời điểm đó, đám cưới của bà An và thiếu gia nhà họ Nguyễn - Nguyễn Đức Chiểu, con trai chủ tiệm may Adam đã gây chấn động.
Bức ảnh chụp lại dàn "siêu xe" xếp trước cửa nhà chú rể - số 19 phố Tràng Tiền vào năm 1952 được lưu lại vẫn gây trầm trồ. Dù thời gian cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng đám cưới của con trai, con gái hai gia tộc giàu có nổi danh đã vô cùng xa hoa. Đám rước dâu thu hút sự chú ý lớn của người dân Hà Nội. Mọi người đổ ra đường, đứng xếp cả hai bên để ngắm nhìn.
Nói đến chú rể Nguyễn Đức Chiểu, ông vốn là người ái mộ bà An từ lâu. Ông mất mẹ sớm, chỉ sống với bố.
Bà An còn kể lại rằng, có lần ông Chiểu đến nhà mình chơi dịp Tết thì chẳng gặp được vì bà An bận đi với người yêu. Ra hồ Gươm, tình cờ cả 3 người gặp nhau, bà "bơ" ông luôn chẳng đoái hoài gì đến.
Ngay cả trước khi hôn lễ diễn ra, bà An cũng nói thẳng với ông rằng mình không yêu ông đâu. Dù vậy, cả hai vẫn lên xe hoa, là vợ chồng.
Ngoài màn "siêu xe" rước dâu đình đám và gây chú ý, ông Chiểu còn đặt tiệc cưới ở khách sạn to nhất nhì Hà Nội. Trong những bức hình được lưu lại, ông Chiểu mặc vest bảnh bao, cười hạnh phúc.
Phái đoàn nhà trai đi rước dâu cũng đông đảo và nghiêm ngắn. Trong tất cả các tấm ảnh, ông Chiểu đều nở nụ cười mãn nguyện. Trái với chồng, bà An luôn cúi đầu, buồn rười rượi trong ngày lên xe hoa.
Ảnh chụp buổi làm lễ của đám cưới cũng hé lộ phần nào sự xa hoa, giàu có của hai bên gia đình. Đám cưới được trang hoàng rất lộng lẫy, mang phong cách uy nghiêm, quyền quý.
Tiệc cưới sau đó tổ chức theo phong cách ẩm thực Pháp, có phục vụ rót rượu với rất nhiều bàn tiệc. Tất cả đều tạo nên một đám cưới quy mô, hiếm có và vô cùng đặc sắc.
Chiếc nhẫn mấy chục năm không rời tay
Sau đám cưới, bà An vẫn chưa yêu chồng và tỏ ra lạnh nhạt. Tuy nhiên, sinh ra và lớn lên trong gia đình nề nếp khiến cho bà vẫn luôn chu toàn hết mọi việc.
Đón nhận sự thờ ơ của vợ nhưng ông Chiểu lại vô cùng yêu thương, chiều chuộng bà. Ông Chiểu là người có học thức, rất độ lượng. Chính vì sự quan tâm, yêu chiều đó đã khiến bà An dần dần yêu chồng mình. Cặp đôi đã sinh được 2 con, 1 trai, 1 gái.
Sau khi kết hôn, hai vợ chồng kinh doanh cửa hàng may ở số 19 Tràng Tiền - nơi các quý tộc, giới thượng lưu đến may đồ.
Công việc của họ vô cùng thành công và lại càng trở nên giàu có hơn. Thành đạt, sung túc, chồng yêu thương... đó có lẽ là những "cảnh giới" cao nhất mà một người phụ nữ có thể đạt tới.
Bà kể lại rằng buổi tối chồng hay lái xe chở mình đi ăn, đi chơi. Vì bà thích ăn thịt bò khô nên lên xe ông đút cho bà một miếng, bà cũng đút lại cho ông một miếng. Hai vợ chồng cũng từng chụp hình chung tại tiệm ảnh Kinh Đô nổi tiếng.
Người đàn ông ấy đã kiên nhẫn, len lỏi dần dần vào cuộc sống của bà An để có được tình yêu trọn vẹn của bà. Ban đầu, họ đến với nhau bằng hôn nhân sắp đặt nhưng sau đó lại thành người thân yêu nhất trong tâm khảm.
Hiện tại, bà vẫn đeo chiếc nhẫn cưới ông trao cho từ đám cưới vào năm 1952. Suốt mấy chục năm qua, bà chỉ tháo ra một lần duy nhất để mang đi đánh lại, lấy chiếc răng vàng của ông Chiểu pha thêm vào sau khi ông qua đời vào năm 1984.
"Tôi nhớ mãi 3 hôm trước lúc ra đi, ông nằm trên giường chỉ nắm lấy tay tôi làm một việc duy nhất, là sờ vào chiếc nhẫn cưới, rơm rớm nước mắt. Rồi ông rời xa tôi mãi mãi trong một ngày đông lạnh giá cuối năm 1984. Tôi ở vậy cho đến tận bây giờ", bà An kể trong một lần phỏng vấn.
Vậy mới nói, đôi khi có những câu chuyện tình bất cứ ai nghe xong cũng cảm thấy xúc động, muốn thốt lên rằng: "Tình yêu mới diệu kỳ làm sao". Người phụ nữ xinh đẹp đã có cái kết viên mãn bên cạnh ông chồng giàu có, hào hoa.
Theo An Thanh (Pháp Luật & Bạn Đọc)