Nhiều người cho rằng một cuộc hôn nhân bắt nguồn từ tình yêu thì mới có được hạnh phúc. Cả hai có quãng thời gian tìm hiểu lâu dài, muốn được gắn bó cả đời thì mới sống thật bình yên bên nhau. Nhưng đôi khi, cũng có những trường hợp đặc biệt ngược lại.
Cuộc hôn nhân không tình yêu và lời đồn "cưới vì tiền"
Cô Thu Hậu kém chú Tuấn Hồng tới 10 tuổi. Hiện cả hai vợ chồng đang sinh sống và làm việc tại Đồng Đăng, Lạng Sơn. Cô Hậu lấy chồng năm 1990, chú rể là người cô chưa từng yêu ngày nào.
Cô sinh ra và lớn lên tại huyện Thất Khê, chú Hồng người Đồng Đăng nhưng lên Thất Khê làm công nhân cầu đường. Vô tình, chỗ làm việc của chú ở ngay cạnh nhà cô.
Chú Hồng bằng tuổi với anh trai cô Hậu, nhận nhau là anh em tốt. Chú vẫn thường xuyên vào nhà chơi và quen hết với cả gia đình cô. Định mệnh thay đổi khi cô xuống TP. Lạng Sơn để học ngành mầm non.
Cô kể: "Khoảng những năm 1989, tôi xuống thành phố học thì anh Hồng cũng làm ở đó. Hai anh em thường xuyên gặp nhau nhưng quan hệ khi đó vẫn chỉ là anh trai với em gái nuôi thôi, không có quan hệ gì đặc biệt. Hồi ấy, tôi không nghĩ chuyện sẽ yêu vì anh Hồng hơn đến 10 tuổi, già quá rồi.
Đầu năm 1990, tôi học xong rồi về quê. Anh Hồng cũng về theo rồi lại vào nhà chơi. Trong làng khi đó có người thích mình lắm, cứ ra để tán tỉnh, nói chuyện. Nhiều lần, anh Hồng đến rồi thấy anh kia nhưng cũng có nói gì đâu. Có lẽ, ở tuổi đó anh ấy ngại nên chẳng mở lời hay ngỏ ý gì.
Tôi cũng từng xuống chơi nhà anh ấy. Bố mẹ ly thân từ lâu, anh ở với em gái và bố. Tôi đến chơi thì cũng chơi với em gái anh ấy, anh ấy đi với anh trai tôi, hoàn toàn không liên quan đến nhau".
Ấy vậy nhưng cuối cùng, hai người đang có mối quan hệ anh trai - em gái đó lại quyết định tổ chức lễ cưới. Một quyết định mà đến bây giờ, cô Hậu vẫn bật cười vì không ngờ đến.
"Thật sự tôi không biết tại sao tự nhiên lại lấy anh ấy, không yêu mà vẫn lấy nhau đấy. Khi đó tự dưng một hôm anh ấy ngỏ lời là cưới nhau được không. Tôi chẳng nghĩ gì cả, đồng ý luôn. Có lẽ, tôi thương cảm cho hoàn cảnh của anh ấy. Anh ấy một mình nuôi bố cùng em gái. Tôi nghĩ rằng người như thế chắc chắn sẽ tốt, biết lo nghĩ và có trách nhiệm nên dù chưa yêu vẫn muốn được gắn bó cả đời", cô Hậu tâm sự.
Chuyện lấy chồng của cô khiến bố mẹ hoàn toàn bất ngờ. Khi xin phép anh chị cùng gia đình, họ đã phải hỏi lại vì trước đó, không nhìn ra chuyện cả hai có qua lại hay yêu đương gì nhau.
Cô Hậu kể tiếp: "Quyết cưới rồi thì tôi mới về thông báo cho gia đình. Anh chị lúc ấy hỏi lại luôn: 'Mày lấy thật á? Nó già lắm nhé'. Bố mẹ thì bình tĩnh hơn, chẳng có ý trách móc gì nhưng có căn dặn kỹ càng rằng: 'Con đã tự chọn như vậy thì sau này sướng khổ đừng trách bố mẹ".
Ngày ấy, cô Hậu đi học ở thành phố về lại có nhan sắc nên là hoa khôi ở vùng đấy. Ấy thế nhưng cô chấp nhận cưới một người đàn ông già đến 10 tuổi nên chẳng tránh được những xì xào, bàn tán.
Cô kể: "Dân phố bàn tán ghê lắm, tôi đi học về cũng là hoa khôi, nhiều người thích nhưng lại chọn cưới anh Hồng. Thời đấy anh ấy lại vừa già, vừa xấu đấy. Ai cũng đồn chắc anh ấy giàu lắm, tôi chọn chồng như thế do tôi tham tiền thôi. Thật đúng là đồn linh tinh mà tôi chẳng biết nói lại thế nào cho phải".
Cuối cùng, đám cưới mà cặp nhân vật chính chưa từng yêu nhau đã diễn ra. Nó chứa đựng những điều mà khi kể lại, ai cũng phải bất ngờ.
Dàn xe rước dâu sang trọng và sự thật về gia thế chú rể!
Trong bức ảnh đám cưới năm 1990 ấy, cô Hậu chú Hồng xuất hiện bên cạnh dàn xe hoành tráng. Nhìn xong ai cũng đoán rằng cô dâu chú rể phải xuất thân giàu có lắm, gia đình có điều kiện thì mới được như vậy. Nhắc đến chuyện này, cô Hồng bật cười.
Cô giải thích: "Nhà anh Hồng khó khăn lắm chứ chẳng có điều kiện gì hết. Nhà trai khi đó chẳng đồng ý tôi về làm dâu. Nguyên do bởi lúc đó họ muốn anh ấy lấy vợ người Đồng Đăng. Có một cô cùng huyện thích anh lắm mà nhà lại rất giàu. Gia đình anh ấy cứ muốn vun vào với cô kia nhưng không được nên đâm ra cả nhà ghét tôi luôn.
Khi ấy có một bác nhà anh ấy thương lắm. Bác cũng khó khăn nhưng vẫn đứng lên tổ chức đám cưới cho. Đám cưới hồi đó bố mẹ anh Hồng không hề xuất hiện.
Về dàn xe thì vì không có tiền thuê xe ô tô để rước dâu nên mọi người mới đi mượn xe đó. Mượn được 5 chiếc để đi rước dâu chứ gia cảnh nhà anh ấy có phải đại gia hay giàu có gì đâu".
Trong đám cưới năm ấy, cô Hậu cũng mặc váy cưới lộng lẫy. Cô tự hào kể về chiếc váy trắng ấy: "Tôi là người đầu tiên trong làng mặc váy cô dâu đấy. Nhà tôi có điều kiện hơn nhà trai nên nghĩ cưới nhau thì cứ tự tôi thuê váy mặc thôi. Không nhớ số tiền thuê bao nhiêu nhưng nó khá đắt đỏ. Tôi cũng là người thứ hai mặc cái váy đấy. Khi ấy cái cầu chỗ tôi mới xây xong, mặc váy đi bộ qua cầu mọi người đều đổ ra xem rồi khen ngợi.
Lúc đầu bảo mặc váy đi một đoạn thôi, hai huyện cách nhau 55km lại rước bằng xe máy thì bụi lắm. Cuối cùng chẳng hiểu thế nào lại đi thẳng xuống Đồng Đăng luôn khiến đi qua biết bao người nhìn".
Trước đó biết bao nhiêu người đồn cô Hậu tham giàu nên lấy chú Hồng nhưng mọi suy đoán đó đều trật lất.
Cô kể tiếp: "Thời đấy dưới Đồng Đăng nhiều người giàu nhưng nghèo cũng có ít đâu. Nhà anh lại rơi vào số những gia đình nghèo đó. Trên nhà mình chưa ai biết nhà anh, anh trai chị dâu đưa em về nhà chồng đến thấy hoàn cảnh mà rơi nước mắt.
Tôi thì vô tư lắm, chẳng nghĩ nghèo đói hay của cải gì, chỉ nghĩ lấy nhau vì tình yêu tình thương rồi cứ đùm bọc, yêu thương mà sống thôi đấy".
10 năm gian nan trong hành trình thay đổi định kiến của nhà chồng
Khi chưa lấy vợ, chú Hồng sống với bố và em gái nhưng sau đó, họ đều chuyển đi vì không muốn chung nhà cùng cô Hậu.
"Họ ghét tôi lắm, cả nhà ghét luôn ấy. Tháng trước cưới thì tháng sau tôi có em bé luôn. Cưới tháng 10, tháng 7 năm sau đẻ, cả nhà chồng có ai đến đâu, chỉ có hai vợ chồng. Khi đó, bác anh ấy lại nuôi mình ở cữ. Anh thì đi làm để kiếm tiền nuôi hai mẹ con", cô Hậu ngậm ngùi.
Thế nhưng, điều cô chiến thắng nhất trong cuộc hôn nhân này lại là tình cảm của chú Hồng. Chú yêu và thương vợ vô điều kiện, tất cả những lời bên ngoài vẫn không ảnh hưởng đến tình yêu ấy.
Cô kể tiếp: "Anh ấy lấy vợ về thương yêu lắm. Ai nói xấu vợ cũng chẳng cần biết, chỉ biết vợ con thôi. Suốt mấy chục năm bên nhau một câu nặng lời anh cũng chưa từng nói. Các cô em có nói gì về vợ với anh thì anh cũng không quan tâm, chỉ bảo thẳng lại: 'Chúng mày đừng động đến vợ tao'. Mình nghèo nhưng chồng lại như thế nên cảm thấy rất an ủi.
Nhiều lúc tôi tâm sự với bạn bè thấy cũng may mắn. Cưới khi chưa hề yêu nhưng về lại sống hạnh phúc. Anh ấy ngày đi làm, đêm về đun nước cho vợ rửa chân rồi giúp đỡ việc nhà. Khi đó, tình yêu mới dần dần đến đấy".
Hai vợ chồng không có việc làm ổn định nên cuộc sống khó khăn. Dù học ngành nuôi dạy trẻ nhưng ở Đồng Đăng ngày đó còn thưa thớt, không có trường nên cô Hậu cũng chẳng đi làm được. Bố mẹ chồng thì không qua lại nên khó khăn càng chồng chất. May mắn sao, họ được một đôi vợ chồng chủ nhà hàng bên cạnh thương tình cho vay tiền làm nhà. Và cũng chính từ căn nhà mà hóa giải được các khúc mắc với gia đình bên chồng.
"Năm 1999 tôi bắt đầu xây nhà. Đến năm 2000 bố chồng bị tai biến và phải đưa xuống chỗ bà nội. Năm 2001, ông lại muốn được lên ở với vợ chồng tôi, dù sao anh ấy cũng là con trai duy nhất. Nhưng ông ngại, chẳng dám mở lời ra sao hết.
Hai vợ chồng xuống thăm ông và có đề nghị luôn rằng hiện tại bọn con đã có nhà, muốn đón bố lên ở. Ông đồng ý ngay lập tức. Tháng 4 ông lên nhưng tháng 8 ông mất rồi. Hai vợ chồng đứng ra lo tang lễ cho ông tươm tất lắm, từ đầu đến cuối. Anh em họ hàng bên chồng đến thấy và nói lại với bà. Họ thấy mình tốt nhưng bà lại đi nói xấu. Cuối cùng, bà cũng nguôi ngoai, bắt đầu đi lại. Các cô em chồng mới nối lại quan hệ đấy", cô Hậu tâm sự.
Hiện tại, hai vợ chồng cô Hậu đang kinh doanh nhỏ. Họ sống cực kỳ hạnh phúc. Trong mắt cô, chú Hồng là người chồng tốt, luôn hết mình vì vợ con.
Cô chia sẻ thêm: "Anh Hồng là người có quan niệm 'nhất vợ nhì bà ngoại'. Anh đi về trên ngoại được quý lắm đấy. Nhiều lúc cãi nhau nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ bỏ đi hay bỏ chồng bởi đơn giản anh ấy tốt quá.
Anh ấy không bỏ qua ngày lễ nào của phụ nữ. Kể cả không có tiền vẫn mua hoa tặng vợ. Nhiều lúc nghĩ mà thấy thương anh ấy lắm. Anh ấy hiền lành, có nhiều tiền thì chỉ nghĩ mua tặng vợ 1, 2 chỉ vàng thôi. Nói chung lúc nào anh ấy cũng nghĩ đến vợ hết. Tôi cảm thấy hôn nhân thế là viên mãn rồi. Cưới nhau không phải từ tình yêu nhưng kết quả lại quá tốt đẹp, thành công".
Đúng là một câu chuyện gia đình của thời bố mẹ khiến người ta phải cảm động. Hôn nhân không chỉ được duy trì trên tình yêu mà còn có tình thương, sự thấu hiểu và sẻ chia nữa.
Theo An Thanh (Nhịp Sống Việt)