Công trình lạ "mọc" trái phép trong di tích chùa Hương

15/11/2015 11:12:14

Công trình đồ sộ dùng làm nhà ăn, nhà khách 'mọc' lên giữa khu di tích danh thắng Hương Sơn, là khu vực 1 thuộc phạm vi bảo tồn nguyên trạng, không được phá vỡ cảnh quan.

Công trình đồ sộ dùng làm nhà ăn, nhà khách 'mọc' lên giữa khu di tích danh thắng Hương Sơn, là khu vực 1 thuộc phạm vi bảo tồn nguyên trạng, không được phá vỡ cảnh quan.

Ngay trong vùng lõi di sản Thiên Trù, thuộc khu danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) xuất hiện cụm công trình lạ có tên Hương nghiêm pháp đường. Công trình nằm đối diện với bảo tháp Chân Tịnh, được khởi công năm 2011, đưa vào sử dụng từ năm 2013. Hương nghiêm pháp đường khá đồ sộ, cao 3 tầng, rộng hơn 400 m2, bên trong có nhà ăn lát sàn gỗ, phòng khách, nhà hội họp, kho... Toàn bộ cầu thang và lan can đều được lát bằng đá.
 

Hương nghiêm pháp đường có hai tầng chính, một tầng mái mọc lên đồ sộ trong vùng lõi di sản Thiên Trù, thuộc khu vực 1 thuộc phạm vi bảo tồn nguyên trạng, không được phá vỡ cảnh quan. Ảnh: Gia Chính.

 
Tòa nhà Hương nghiêm pháp đường có nhiều hình thù kiến trúc lạ. Dọc đường lên xuống xuất hiện bức phù điêu hình đầu rồng, gắn vòi voi, mũi sư tử không có trong nghệ thuật tạo hình của Việt Nam. Nhiều du khách đến tham quan bất ngờ khi nhìn thấy công trình lạc lõng, có kiến trúc lạ mọc lên giữa những ngôi chùa cổ kính của quần thể danh thắng Hương Sơn.
 
Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Ban quản lý khu di tích danh thắng Hương Sơn cho biết, vị trí dựng Hương nghiêm pháp đường trước là dãy nhà cấp 4, tường xây bằng đá, lợp ngói sông Cầu thuộc quản lý của Công ty Du lịch và Công ty thắng cảnh Hương Sơn. Sau đó, hai công ty trên giao lại dãy nhà trọ cho chùa. Năm 2011, dãy nhà xuống cấp nghiêm trọng nên nhà chùa có đơn gửi UBND huyện Mỹ Đức xin tu sửa, nâng cấp.
 

Bức phù điêu đầu rồng, vòi voi, mũi sư tử không có trong nghệ thuật tạo hình của văn hóa Việt Nam. Ảnh: Gia Chính.

 
"Đây là công trình phục vụ của nhà chùa, dùng làm nhà ăn, nơi nghỉ ngơi của phật tử chứ không phải di tích gốc, không phải là điểm thờ tự", ông Thanh nhấn mạnh và khẳng định nhà chùa đã có gửi văn bản xin sửa chữa, được Ban quản lý xác nhận, gửi lên UBND huyện Mỹ Đức. Tuy nhiên, ông không trả lời được đơn vị nào đã cấp phép, giám sát thi công, tư vấn thiết kế.

Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, Sở đã nhận được thông tin và cử cán bộ về kiểm tra, thấy công trình được xây dựng trong vùng lõi di sản Thiên Trù - là khu vực 1 thuộc phạm vi bảo tồn nguyên trạng, không được phá vỡ cảnh quan.

"Việc xây dựng trên là trái phép. Chúng tôi không hề nhận được báo cáo xin phép của nhà chùa. Không có việc đồng ý cho xây dựng công trình này trong khu vực 1 của di tích quốc gia", ông Tiến khẳng định và thông tin Sở đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức kiểm tra và báo cáo trong tháng 11 này.
 

Hương nghiêm pháp đường có khu vực dùng làm nơi ngủ nghỉ. Ảnh: Gia Chính.

 
Năm 1962, chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Theo Khoản 3, Điều 32, Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung thì mọi việc xây dựng trong di tích cấp quốc gia cần được sự đồng ý của Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch.

"Khu vực bảo vệ 1 phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Việc xây dựng công trình tại khoản này (khu vực bảo vệ 1 và 2 của di tích)... đối với di tích cấp quốc gia phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích", Khoản 3, Điều 32 ghi rõ.

Theo Gia Chính - Hoàng Phương (VnExpress.net)