Lấy lý do salbutamol đã cạn kiệt, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho nhập thêm 100 kg. Tuy nhiên, có hơn 2 tấn chất này bị tạm giữ ở Bình Dương vẫn còn nguyên, chưa ai xử lý...
Theo đó, Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho 2 đơn vị nhập khẩu lượng tối thiểu 100kg salbutamol đáp ứng nhu cầu điều trị trước mắt của người dân, đó là Công ty cổ phần Dược Vacopharm và Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương I-Pharbaco (mỗi đơn vị 50kg), đồng thời giao Sở Y tế tại địa bàn để giám sát, kiểm tra việc nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu của các đơn vị trên.
Cảnh sát môi trường bắt quả tang chất cấm tại một sơ sở bán thức ăn chăn nuôi (Ảnh: C49) |
Trả lời Dân Việt, Cục Quản lý Dược cho biết, Cục “mở cửa” cho salbutamol là vì nhu cầu sản xuất thuốc trong nước. Trong 9 tháng qua, Cục ngừng cấp phép nhập khẩu là vì muốn các công ty đã nhập khẩu sử dụng hết lượng salbutamol còn tồn.
Thời gian này, nếu công ty nào có nhu cầu sử dụng salbutamol để làm thuốc thì Cục Quản lý Dược sẽ giới thiệu sang các Công ty vẫn còn dư salbutamol để mua lại chứ không nhập khẩu. Còn hiện nay, lượng salbutamol đã cạn kiệt nên Cục có văn bản cho phép tiếp tục nhập khẩu sabutamol trở lại. Theo báo cáo, trong 2 năm 2014 và 2015, đã có hơn 9 tấn salbutamol được nhập về. Riêng năm 2016, đây là 100kg đầu tiên.
Mấy ngày nay, thông tin lợn nhiễm chất cấm lại khiến người chăn nuôi chân chính như ngồi trên lửa. Ngoài chất tạo nạc “truyền thống” là salmutamol được nhập về với danh nghĩa điều chế thuốc trị hen suyễn, ngành nông nghiệp vừa phát hiện chất tạo nạc mới là cystemine - được nhập về làm thuốc trị các bệnh liên quan đến thận, cơ và tuyến giáp được trộn vào thức ăn chăn nuôi.
Trong khi Cục Quản lý Dược khẳng định đã cạn kiệt salbutamol thì tại Bình Dương, vẫn còn một công ty “trữ” 2.050kg salbutamol. Cụ thể, theo báo cáo của Cục Cảnh sát môi trường (C49), đơn vị này đã lập chuyên án và phát hiện có 6.268kg salbutamol được bán ra thị trường không phải để điều chế thuốc. Trong số này, Công ty TNHH Hóa dược Minh Anh (địa chỉ khu phố Hòa Long, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) bán ra không đúng đối tượng, khi bị kiểm tra đã thu hồi và lưu giữ tại kho là 2.050kg.
Trao đổi với Dân Việt hôm nay 11.9, đại tá Võ Văn Đông - Phó Cục trưởng C49, dựa trên hồ sơ, 2.050 kg salbutamol này vẫn đang được lưu tại kho của doanh nghiệp.
Để có thêm thông tin, phóng viên đã liên lạc với ông Hà Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Hóa dược Minh Anh. Sau khi nghe phóng viên trình bày, ông Sơn nói ngắn gọn: “Chúng tôi không có nhu cầu báo chí”. Nói xong, ông Sơn tắt máy.
Lấy lý do nguồn salbutamol cạn kiệt rồi cho nhập 100kg trong năm 2016, trong khi lượng tồn kho chỉ tại một doanh nghiệp đã gấp hơn 20 lần con số được nhập trong cả năm, Cục Quản lý Dược cần có câu trả lời rõ ràng với người dân cả nước.
Theo Hữu Danh (Dân Việt)