Livestream thiếu tính nhân văn
Khi hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ nổi lên trên mạng xã hội, hàng trăm Tiktoker, Facebooker và Youtuber đã đi theo ông để tiến hành livestream. Họ bất chấp tất cả để chạy theo ông, nhốn nháo, gây rối loạn. Thậm chí, ngay cả khi thầy đi vào nhà vệ sinh vẫn bị những người này vô tư tiến hành livestream. Mặc dù thầy Thích Minh Tuệ đã kêu họ về nhà để chăm lo cho gia đình, đừng đi theo nữa, nhưng những lời nói đó đều bị bỏ ngoài tai.
Năm ngoái, tại đám tang nghệ sĩ cải lương Vũ Linh, cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Hàng trăm người kéo đến đám tang của nghệ sĩ này để livestream, đưa lên các nền tảng mạng xã hội. Họ bất chấp sự trang nghiêm, dí smartphone vào sát mặt những nghệ sĩ tới viếng, đi kèm là những tiếng cười, những lời kêu gọi người vào kênh để xem và giúp chia sẻ video.
Gia đình cố nghệ sĩ Vũ Linh đã phải cấm người lạ vào thắp nhang, nhưng họ lại tập trung thành hàng dài trước nhà, gây ùn tắc giao thông và tạo ra cảnh lộn xộn. Mặc dù gia đình phải cử nhiều người cùng với lực lượng bảo vệ an ninh của phường để giữ trật tự cho đám tang, thậm chí phải giăng dây để ngăn cản, thế nhưng những người streamer vẫn túc trực ngày đêm, bất chấp tất cả để livestream đưa lên mạng. Không những thế, đi kèm đó là những thông tin sai sự thật cũng xuất hiện với mục đích "câu view", "câu like"… thu hút lượng người xem để kiếm tiền.
Những năm vừa qua, gần như cứ khi nào có sự kiện hay xu hướng (trend) nổi lên và “nóng” trên truyền thông hay các nền tảng mạng xã hội thì các streamer lập tức có mặt đông đảo, liên tục gây phiền hà, khó chịu. Điều này đã trở thành một “vấn nạn”.
Theo nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies, đây là hành động livestream thiếu tính nhân văn, bởi trong truyền thông có nội dung đáng và không đáng để đăng tải. Nếu trong nhận thức của người làm truyền thông thiếu điều này, sẽ có những hoạt động thiếu tính nhân văn.
Nhu cầu muốn được nổi tiếng, câu view và kiếm tiền hiện nay là rất cao và livestream đang trở thành công cụ phục vụ cho mục tiêu truyền thông “bẩn”.
Theo ông Lê Quốc Vinh, có những streamer đi theo ông Thích Minh Tuệ có thể kiếm tối đa hơn 60 triệu đồng/ngày. Nội dung càng kích thích, càng phản cảm bao nhiêu thì sẽ lôi kéo người xem nhiều bấy nhiêu, bởi thị hiếu họ thích xem những nội dung như vậy.
“Hiện có những người livestream để mua vui, nhưng cũng có nhiều người sử dụng nó như một công cụ để thu lợi bất chính. Họ đưa ra các nội dung kích thích sự ham muốn của người xem, chà đạp lên giá trị nhân văn, giá trị đạo đức”, ông Lê Quốc Vinh nói.
Cần phải quản chặt hình thức livestream
Theo ông Lê Quốc Vinh, vấn đề cần đặt ra là các sự kiện “nóng” hiện nay đều được các nền tảng mạng xã hội đề xuất và Việt Nam đang thả nổi các đề xuất đó. Để kiểm soát người livestream là rất khó, vì hiện mỗi người chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể livestream được và có nhiều công cụ khác hỗ trợ, làm cho việc này trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, sự tò mò của công chúng muốn theo dõi các nội dung được đề xuất là cái cớ và là cơ hội để những người livestream xuất hiện quá nhiều và tràn lan như hiện nay, khiến cho việc kiểm soát vô cùng khó khăn. Ở đây, nếu người xem có sự tôn trọng, cần né tránh những nội dung “bẩn” như trên.
Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Vinh cũng cho rằng, các quy định và chế tài hiện nay chưa chặt chẽ, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý và nhà mạng cũng tương tự, nên không có đủ công cụ nhạy bén để ngăn chặn các nội dung phản cảm.
Tại Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Bộ TT&TT cũng đã bổ sung quy định về hoạt động livestream. Theo đó, chỉ có những mạng xã hội có giấy phép hoạt động và người dùng cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân mới được thực hiện hoạt động này.
Ông Lê Quốc Vinh ủng hộ các quy định mới nhằm kiểm soát các kênh phát sóng, tuy nhiên, cần làm rõ câu chuyện những người thực hiện livestream thì được quyền đưa những nội dung gì; Đưa hình ảnh các cá nhân ở mức độ bao nhiêu; Phải tôn trọng sự tự do; Đưa thông tin cá nhân như thế nào là vi phạm. Các quy định này cần được làm rõ, không chỉ trong các quy định pháp luật riêng về hoạt động livestream mà cả trong bộ luật dân sự, mới ngăn chặn được hành động livestream phản cảm và vi phạm pháp luật.
Chủ tịch Le Group of Companies nhận định, việc thực thi xử phạt hình thức này là rất khó, luật đưa ra nhưng làm thế nào để kiểm soát nhanh chóng và kịp thời không đơn giản, vì hoạt động livestream diễn ra theo thời gian thực. Cần có các hành động cụ thể, các giải pháp công nghệ và các quy định pháp lý.
Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền để người dân biết quyền lợi của họ, nếu họ không muốn thì người khác không được thực hiện livestream hình ảnh cá nhân họ.
“Chúng ta lo ngại nhiều về tiêu cực của livestream, nhưng điều tích cực là nó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Chính vì thế, ý thức mỗi người khi livestream ở mức độ nào, khi nào là đúng, là đạt, không phải đưa pháp luật ra chi phối. Ở đây quan trọng là ý thức của con người. Họ có nhận thấy hay không khi cầm camera chọc vào quyền riêng tư của người khác và họ cần được dạy”, ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.
Sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý
Theo luật sư Đào Tiến Phong, Đoàn luật sư TP.HCM, việc người dân hâm mộ nghệ sĩ hay ngưỡng mộ các nhà tu hành là một điều rất bình thường trong mọi xã hội. Tuy nhiên, việc hâm mộ thái quá hoặc dùng các phương tiện ghi âm, ghi hình để livestream hay quay chụp lại hình ảnh mà không được sự đồng ý của người bị quay có thể xâm phạm đến quyền nhân thân của người đó. Điều 32, Bộ luật dân sự 2015 đã quy định rất rõ việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý và việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Nhưng chúng ta có thể thấy hầu hết các trường hợp hiện nay là những người bị quay không ai được xin phép cả.
Chưa kể rất nhiều trường hợp có thể còn xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được quy định tại Điều 38, Bộ luật dân sự 2015 mà không hề được sự cho phép của người bị quay hình.
Đối với các hành vi xâm phạm quyền nhân thân, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình thì người bị xâm phạm có quyền khởi kiện đòi bồi thường. Bên cạnh đó, tuỳ mức độ vi phạm, những người xâm phạm còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc nếu nghiêm trọng có thể cấu thành các tội danh hình sự tương ứng như tội vu khống, tội làm nhục người khác và đặc biệt, nếu những người quay phim gây náo động trật tự ở nơi công cộng hay gây ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự và an toàn xã hội thì còn có thể bị xử lý tội gây rối trật tự công cộng.
Theo Lê Mỹ (VietNamNet)