Ốc đảo nơi chị em cô Nguyễn Minh Ngọc (69 tuổi) và cô Nguyễn Thị Môn (67 tuổi) sinh sống là một gò đất cây cối rậm rạp, rộng chừng 1 ha nổi lên giữa vùng đồng ruộng và sình lầy của xã Liên Hòa (Lập Thạch, Vĩnh Phúc).
Cô Ngọc cho biết, gia đình mình không phải người bản địa. Thời kỳ cách mạng, cha cô làm thầy thuốc Đông y, đi khắp nơi chữa bệnh cho mọi người. Năm 1948, khi ông qua nơi này thì thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi, con người thân thiện nên đã dừng chân ở lại, mang cả gia đình đến đây lập nghiệp.
Trên đảo hiện tại vẫn giữ được nhiều nét tự nhiên thuần túy. Không khí trên đảo còn giữ được sự trong lành và yên tĩnh như một khu rừng nguyên sinh thực thụ. "Chúng tôi không cày xới sửa sang gì, cây cối mọc đâu thì để đó. Duy chỉ có cây thuốc từ thời bố tôi đưa từ nhiều nơi về trồng, hiện giờ tôi cũng đi đến đâu thấy cây thuốc hay lại sưu tầm về, nên trên đảo cũng như một vườn thuốc. Đảo cũng còn nhiều động vật hoang dã như cầy, cáo, chim muông...", cô Ngọc nói.
Đảo khá tách biệt với thế giới bên ngoài, nằm giữa một vùng đồng ruộng và sình lầy. Hằng ngày có một con đường nhỏ nối liền với làng, tuy nhiên mùa mưa thì con đường biến mất, đảo trở thành nơi hoàn toàn biệt lập.
Trên đảo, chị em cô Ngọc tự cấp tự túc được hầu hết những nhu cầu cần thiết của cuộc sống. Hai người trồng một mẩu ruộng, đủ lúa ăn quanh năm, trong vườn trồng nhiều cây ăn quả, rau đậu... Hai chị em cô Ngọc cũng đào một cái ao nuôi cá, nuôi 2 con bò, một đàn lợn, một đàn gà.
Để cuộc sống thêm phong phú, các cô nuôi một đàn chó và một đàn chim, vừa bầu bạn, và là người gác cửa, mỗi lần có khách là đàn chim kêu ríu rít, đàn chó ra sủa râm ran cả đảo.
Thực phẩm không ăn hết, các cô muối thành những mắm tôm, mắm tép, tương cà... hoặc phơi khô để ăn vào những ngày mưa gió. Trên đảo cũng có một giếng khơi, nước trong và sạch quanh năm. Hằng ngày hai người ăn những thứ mình làm ra, uống nước nấu từ những cây lá thuốc trên đảo, rất ít khi cần đến những sản phẩm từ bên ngoài, ngoại trừ muối.
Cuộc sống không biết đến chợ, không biết bệnh tật và không cần đến tiền.
Cô Môn sống ở đây từ bé, chưa từng đi khỏi đảo lâu ngày, có chăng chỉ ra ngoài đi du lịch, thăm thú anh em họ hàng vài ngày rồi lại quay về. Cô Ngọc vốn là một giáo viên Tiểu học ở Phú Thọ, sau khi nghỉ hưu cũng chuyển về ở cùng em gái mình. Gia đình các cô có 7 chị em, tuy nhiên 5 người đã đi làm ăn xa, lâu lâu mới về thăm nhà.
Cô Môn cho biết, vì quá thích cuộc sống trên đảo nên các cô đều không lấy chồng, hàng ngày sống nương tựa vào nhau. "Nhiều người bên ngoài cũng dị nghị cuộc sống chúng tôi, có người còn gọi chúng tôi là người rừng. Thế nhưng mặc kệ, mình cứ sống cuộc sống của mình, ai nói gì mặc họ", cô Môn chia sẻ.
"Các nhu cầu cho cuộc sống mình đều tự túc được hết, thực phẩm làm ra không ăn hết còn mang đi cho, đi bán, nhưng tiền cũng chả để làm gì. Có chăng ra chợ chỉ để mua gói muối hay mua con giống, cây giống, ngoài ra không mua thêm gì khác.
Chúng tôi có một chiếc ti vi để cập nhật tin tức, cũng thường mua sách về đọc để nâng cao kiến thức, nhất là những kiến thức liên quan đến rèn luyện sức khỏe hay chăn nuôi, trồng trọt vì những kiến thức này liên quan trực tiếp đến cuộc sống. Mỗi buổi sáng và chiều, chúng tôi đều bỏ ra chừng 30 phút đến một giờ đồng hồ để chạy thể dục, vừa chạy để rèn luyện sức khỏe, vừa vào làng để biết cuộc sống trong làng", cô Ngọc nói.
Vì là giáo viên về hưu nên có một khoản lương hưu, có thêm thu nhập từ cây trồng vật nuôi trên đảo nhưng lại ít phải chi cho khoản gì, hai chị em cô Ngọc thường xuyên dùng tiền nhàn rỗi để đi du lịch.
"15 năm rồi chúng tôi chẳng biết bệnh tật là gì, chắc mình có chế độ ăn hợp lý, thức ăn sạch và rèn luyện thường xuyên nên mới vậy. Tiền không chi cho việc gì nên chúng tôi hay đi du lịch, những điểm du lịch lân cận thì năm nào cũng đi. Có vài lần đi xuyên Việt, cứ ngày đi đêm nghỉ, đến giờ đã đi được rất nhiều nơi rồi", cô Ngọc chia sẻ.
Theo Bá Cường (Trí Thức Trẻ)