Không riêng tôi, mà rất nhiều người con Hà Nội yêu cái khoảnh xi măng xám bạc hình vuông ấy lắm, cứ tối tối hoặc sáng sớm ngủ dậy, phải dựa đầu vào cửa sổ ngắm nghía nhịp sống sinh động dưới chiếc sân như một thói quen khó bỏ.
Căn phòng của tôi hồi ấy chỉ độ 5 mét vuông, có cái cửa sổ sắt tây cũ kỹ, nhìn thẳng xuống sân tập thể, nơi ồn ào, đông đúc nhất khu. Rồi chẳng biết từ bao giờ, tôi yêu cái khoảnh xi măng xám bạc hình vuông ấy lắm, cứ tối tối hoặc sáng sớm ngủ dậy, tôi thường dựa đầu ngắm nghía mọi người qua lại dưới sân rồi mới đi làm việc khác được.
Khung cảnh quen thuộc mỗi sớm mai giữa lòng Hà Nội. |
Yêu nhất là lũ con nít nghịch ngợm, chúng dễ thương kinh khủng, bàn chân lũn cũn cứ chạy qua lại khắp nơi, nô đùa ầm ĩ. Những thanh âm trong trẻo quen thuộc ấy đã quen thuộc với tôi suốt nửa năm trời, sau đấy thì tôi chuyển đi, nhưng chưa bao giờ nguôi cơn thèm được một lần quay lại căn phòng tí hon đó.
Nhà bà ngoại tôi khi xưa cũng ở trong khu tập thể bên Diêm Gỗ, có giàn hoa giấy to đùng sặc sỡ. Mẹ tôi thường kể những chuyện ấu thơ ở đó, từ thời bao cấp cơ, mẹ hay chơi ở sân tập thể cùng lũ trẻ hàng xóm. Mỗi lần về ngoại, tôi cũng rất thích chạy ra đó nô đùa, nó dường như là một phần không thể thiếu của đám trẻ lớn lên trong những khu nhà cũ kỹ hình tổ ong, gắn bó với cuộc sống người dân xung quanh đó nữa, nên có hẳn tên riêng là "sân nhà trẻ".
Ngoài những chiếc "chuồng chim" đặc trưng, các khu tập thể cũ còn có "đặc sản" là hàng quán mộc mạc, trà đá, bún miến cháo phở ăn sáng ăn trưa, tạp hóa giá rẻ... hàng mấy chục năm vẫn thế. |
Trưởng thành dần, đi khắp Hà Nội, tôi chợt nhận ra mẫu số chung của những khu tập thể lâu đời chính là chiếc sân sinh hoạt, nơi chứa đựng biết bao thước phim đời thường hay ho và đầy sắc màu. Muốn biết nhịp sống Hà thành thế nào ư? Đừng lẫn mình vào dòng người ồn ào đông đúc trên phố đi bộ, chen nhau trong những giờ phút tắc đường, hay tìm đến mấy tòa cao ốc chọc trời bóng láng. Chúng chỉ là "đặc sản" của thời hiện đại mà thôi, còn văn hóa, nếp sống truyền thống thực sự của người Hà Nội lại nằm trong những khu tập thể cũ mèm cơ.
Quen thuộc nhất, lâu đời nhất ở các khu tập thể có lẽ là chiếc loa phường, nghe giọng cô phát thanh viên mỗi sớm, cảm giác như vẫn sống những ngày tem phiếu. |
Sân tập thể là nơi diễn ra rất nhiều nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng người Hà Nội, như thể dục sáng, uống trà, ăn bún ăn phở, bế cháu đi rong, cả họp chợ nữa. |
Chiều cuối tuần mát mẻ thảnh thơi, các cụ bà tụ họp chuyện trò như bao ngày qua vẫn thế. |
Tiệm hớt tóc thâm niên của bác trai đã "cạo đầu" biết bao thanh niên khu tập thể từ ngày bé xíu. |
"Muốn khỏe đẹp thì phải tập thể thao"... bài nhạc thiếu nhi vui nhộn chiều nào cũng phát bên trường mầm non gần khu tập thể Giảng Võ. |
Những thiên thần nhí dễ thương làm bừng lên nhịp sống mỗi sáng ở nơi cũ kỹ già nua này. |
Cậu nhóc ham chơi, đòi mẹ được chơi đu quay cầu trượt cùng chúng bạn. |
Những khung cảnh bình dị, yên lòng biết bao. |
Một Hà Nội trong khu tập thể không bon chen, không vội vã, không xa hoa mà cũ mèm nhưng chẳng ai muốn rời bỏ, bởi quá đỗi yêu mến. |
Ở trong không gian đầy mùi ẩm mốc của chốn này, còn có những kiếp người "vắt" từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, mang trong mình bao chuyện kể xa xưa, nghe là thấy mê thích. Sáng chạy xuống làm tô phở, tiếng chim chóc lẫn với tiếng các bà các mẹ đi chợ xôn xao, chim hót líu lo, những chiếc xe Dream kêu tành tạch, xe đạp cọc cạch luồn qua những ngóc ngách chật chội. Nghe mấy ông bà chào hỏi nhau theo kiểu cũ, tôi rất thích hóng chuyện họ nói với nhau, mấy chuyện linh tinh ngày hôm qua, nay đi chợ có món gì, con cháu rủ tôi lên phố, Bờ Hồ bây giờ chẳng giống ngày xưa, rồi hôm nay trời nóng mãi chẳng sang thu...
Nhà cũ, cầu thang cũ, sân cũ, và cũ cả con người. |
Ba thế hệ ngang qua nhau tại khu tập thể già nua nhất nhì Hà thành ở sâu trong ngõ Văn Chương. |
Hai thế giới đối lập sau khung cửa sắt có tuổi đời còn lâu hơn cả lũ trẻ ngoài kia cộng lại. |
Nơi thời gian tưởng như bị lãng quên, sự sống vẫn xanh mát mỗi ngày. |
Đi bao nhiêu tỉnh thành tôi cũng không thể tìm được ở đâu có hương vị cuộc sống nhiều cảm xúc, như khi đứng trong không gian này. |
Theo Lynk (Trí Thức Trẻ)
Ảnh: Q.Vinh