Trao đổi với VietNamNet chiều 13/4, ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng THPT Long Thới, Nhà Bè cho biết Hội đồng kỷ luật của trường họp để đưa ra phương án kỷ luật cô Châu. Theo đó, sau cuộc họp ngày 12/4, Hội đồng kỷ luật đã thống nhất phương án kỷ luật cô Châu với hình thức cảnh cáo.
Ông Bình cho biết trước đó, cô Châu đã bị đình chỉ việc đứng lớp nên cô sẽ không được đứng lớp mà chuyển qua làm công việc khác trong trường.
Theo ông Bình, sau khi nhận hình thức cảnh cáo và bị đình chỉ đứng lớp, cô Châu sẽ được phân công làm những việc trong trường. Về cụ thể làm việc gì, ông Bình chưa biết, trường chưa quyết định và đang sắp xếp.
Trong khi đó, trao đổi với VietNamNet, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết Sở chưa nắm được hình thức kỷ luật cô Châu. Cuộc họp chiều ngày 11/4 giữa Trường THPT Long Thới với Sở GD-ĐT chưa đưa ra hình thức kỷ luật cô Châu mà chỉ thống nhất về quy trình. Trước câu hỏi "Sở nghĩ gì về hình thức kỷ luật này?", ông Nam cho biết việc kỷ luật là quyền của trường và Sở chưa thể nêu ý kiến.
Tại cuộc họp khẩn giữa UBND TP.HCM với lãnh đạo Sở GD-ĐT và Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý với Sở GD- ĐT trong trường hợp đưa ra Hội đồng kỷ luật nếu tỷ lệ bỏ phiếu không cao để kỷ luật cô Trần Thị Minh Châu.
Bà Thu cho rằng, trước đây cô Châu từng bị xử lý ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4), nhưng lúc đó cách xử lý khá nhẹ nhàng là chuyển qua Trường Long Thới.
Bà Thu đề nghị phải kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp này. Trong quá trình xử lý phải căn cứ vào các luật đã ban hành liên quan đến đạo đức, trách nhiệm của giáo viên.
Sự việc xảy bắt đầu tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM với học sinh diễn ra ngày 22/3. Tại đây, học sinh Phạm Song Toàn, lớp 11A1, Trường THPT Long Thới, Nhà Bè đã bật khóc khi kể về chuyện ở lớp mình. Toàn cho biết hiện nay lớp em đang gặp vấn đề với giáo viên đó là một giáo viên lên lớp chỉ viết bài lên bảng và không nói gì. Học sinh thấy cô im lặng nên cũng sợ và không nói gì nên lớp phải tự học.
Theo học sinh này dù giáo viên chủ nhiệm của lớp đã cố gắng giải quyết nhưng vì những lý do tế nhị nên tình trạng vẫn như vậy.
Sự việc đã làm xôn xao dư luận. Sau đó cô Trần Thị Minh Châu, người bị học sinh phản ánh cả học kỳ không nói câu nào có tiết dạy tại lớp 11A1 thừa nhận học sinh phản ánh cô không giảng bài là đúng, nhưng thời gian một học kỳ chưa chính xác mà mới xảy ra từ đầu tết tới nay.
Cô Châu giải thích rằng việc cô không giảng bài trong lớp 11A1 có lý do riêng. Cô mong muốn học sinh hãy nói thẳng với cô tại sao lại như vậy. Đến lúc, một học sinh trong lớp đưa vấn đề này lên buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT thì sự việc đã đi quá xa.
Sau sự việc này, cô Châu cho biết bản thân cô rất tiếc nuối vì đã để lỡ một cơ hội. Cô giáo này cũng bày tỏ mong muốn được tiếp tục đứng lớp để dạy học sinh.
Theo Lê Huyền (VietNamNet)