Như đã thông tin, hơn 3 tháng qua, gần 1.200 giáo viên tỉnh Hải Dương không được trả lương, trong đó có 61 giáo viên ở 3 cấp học: Mầm non, Tiểu học và THCS làm đơn xin nghỉ dạy khiến nhiều người lo lắng.
Liên quan đến sự việc trên, tại kỳ họp thứ 5, khóa XVI HĐND tỉnh Hải Dương diễn ra từ ngày 11-13/12, nhiều đại biểu đã quan tâm, dành thời gian để chất vấn và vấn đề này đã được tạm thời tháo gỡ. Các giáo viên sẽ được trả lương ngay trong tuần này nhưng chỉ hết năm 2017.
Theo lý giải của ông Vũ Đức Trọng - Giám đốc kho bạc Nhà nước tỉnh Hải Dương, gần 1.200 giáo viên hợp đồng từ tháng 9 đến nay chưa được trả lương do thiếu các văn bản cần thiết. Vì để Kho bạc chi tiền phải căn cứ vào các yếu tố như: được giao dự toán năm, được thủ trưởng các đơn vị duyệt chi, đúng tiêu chuẩn nhà nước quy định và có các giấy tờ, văn bản liên quan.
Trong khi đó, khi làm hợp đồng giữa cơ sở giáo dục và giáo viên thì chỉ hiệu trưởng ký, điều đó không bảo đảm tính pháp lý. Bởi lẽ, đây là ký hợp đồng giữa thủ trưởng đơn vị và người lao động còn ai cho phép ký và ký bao nhiêu thì không rõ.
Theo ông Trọng, các quyết định giao biên chế và hợp đồng 68 của UBND tỉnh là căn cứ để Kho bạc kiểm soát chi, thanh toán lương cho giáo viên hợp đồng. Cho nên, Kho bạc tỉnh Hải Dương chỉ cần có văn bản của UBND tỉnh thì sẽ trả lương cho giáo viên.
Lý giải vấn đề trên, ông Phạm Văn Tỏ - Giám đốc Sở nội vụ tỉnh Hải Dương thông tin, việc các giáo viên tạm thời không được trả lương 3 tháng do việc thực hiện Thông tư 39 của Bộ Tài chính về chế độ kiểm soát thanh toán các khoản chi, khi thanh toán tiền lương các đơn vị phải xuất trình quyết định giao chỉ tiêu biên chế.
Theo Thông tư này, đơn vị nào ký hợp đồng với lao động vượt chỉ tiêu biên chế được giao thì Kho bạc Nhà nước tỉnh không thanh toán số tiền lương với lao động ký hợp đồng vượt biên chế đó. Trong khi đó, theo Kết luận 17 của Bộ Chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập được ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế giao, nên số lao động ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế là được thanh toàn tiền lương.
Còn ông Lương Văn Cầu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, tỉnh giao chỉ tiêu biên chế thấp hơn so với Bộ Giáo dục & Đào tạo là căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh. Riêng tỉnh thừa hơn 4.056 giáo viên hợp đồng là do các huyện, ngành giáo dục thực hiện chưa nghiêm định mức biên chế tỉnh giao.
Liên quan đến vấn đề trên, UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành Công văn số 3707/CV-UBND chỉ đạo giải quyết vướng mắc về tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên hợp đồng tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm 2017.
Theo đó, tỉnh sẽ thanh toán tiền lương, phụ cấp (nếu có) cho giáo viên đã được các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ký hợp đồng trong năm 2017, nhưng số số hợp đồng này phải được UBND cấp huyện hoặc Sở GD&ĐT phê duyệt.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ đạo rà soát số lao động hợp đồng hiện có chưa được trả lương và phụ cấp. Đồng thời, Kho bạc Nhà nước tỉnh phối hợp với các đơn vị trên giải quyết dứt điểm việc trả lương, phụ cấp cho giáo viên đã ký hợp đồng trong năm nay.
Kinh phí chi trả được lấy từ ngân sách cấp huyện, nguồn thu học phí còn lại sau khi đã dành cho thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, các nguồn thu hợp pháp khác để lại cho đơn vị và các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 1/1/2018.
Như vậy, với văn bản trên, trong tuần này gần 1.200 giáo viên tỉnh Hải Dương sẽ được thanh toán tiền lương và phụ cấp. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời của năm 2017.
Kết luận vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hiển - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND đề nghị, các sở, ngành, UBND cấp huyện giám sát chặt chẽ việc quản lý biên chế của các trường. Nếu Hiệu trưởng trường nào ký hợp đồng vượt định mức tỉnh giao phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, thậm chí có thể bị xem xét xử lý kỷ luật.
Theo Đức Tùy (Giadinh.net.vn)