Bác Hồ biết ông, thuở ông còn là cậu bé rồi thanh niên choai choai được theo hầu cụ Vương Chí Sình trong những lần cụ về họp Quốc hội khoá đầu và khoá 2 ở Hà Nội. Cụ Vương Chí Thành là tên Bác Hồ đặt cho Vương Chí Sình khi kết nghĩa anh em với ngưòi con trai thứ 2 của Vua Mèo đầy thế lực ở đạo Bảo Lạc Vương Chính Đức. Vua Mèo Vương Chính Đức sớm nhận ra cái danh hờ là Bang tá chia để trị của chính phủ bảo hộ nên chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng mà ngấm ngầm sắm sửa vũ khí thành lập quân đội riêng. Đội quân đó của cụ đã trở thành công cụ lợi hại khi Nhật đảo chính Pháp. Lực lượng của Vương Chính Đức và Vương Chí Sình đã đánh cho Pháp thất điên bát đảo ở vùng cao Hà Giang.
Người con trai thứ 2 của vua Mèo Vương Chí Sình cùng người cháu gọi mình bằng chú ruột Vương Quỳnh Sơn dường như đã nối được chí cha và ông nội rằng nước có yên thì làng bản mình mới ổn nên đã tự nguyện nhập vào ngôi nhà chung Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Vương Chí Thành tham gia khoá Quốc hội đầu tiên và khoá 2. Vương Quỳnh Sơn tận mắt chứng kiến Lễ kết nghĩa anh em giữa Bác Hồ và ông chú ruột, được Bác Hồ đặt tên mới Vương Chí Thành thay cho Vương Chí Sình. Lại đích mục sở thị việc Bác Hồ thân trao thanh kiếm báu do chính tay Người đề tám chữ trên nắp kiếm cho vua Mèo Vương Chí Thành Tận trung báo quốc/Bất thụ nô lệ. Theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vương Chí Thành gửi người cháu Vương Quỳnh Sơn vào Trường sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn.
Sau này ông Sơn là Ủy viên thường trực khu hành chính Lào Cai- Yên Bái, rồi Ủy viên Khu Tự trị Việt Bắc, Thường trực Ban xây dựng thành phố Thái Nguyên Cũng cần nói thêm một chút thời điểm cao nguyên đá Đồng Văn xảy ra tình trạng bất ổn cuối những năm 50 đầu 60, ông Vương Quỳnh Sơn với vai trò trưởng một dòng họ Mèo nổi tiếng, được trao nhiều việc trọng đã không quản hiểm nguy góp phần xuất sắc để bình ổn tình hình.
Khi đã cao tuổi ông liên tục nhiều năm ở cương vị Cố vấn cao cấp của Ủy ban dân tộc Trung ương sau này là Ủy Ban Dân tộc (UBDT). Với vốn tri thức khá rộng do nghị lực tự học hiếm có, lại thông thạo một số ngoại ngữ nhất là một số ngôn ngữ dân tộc anh em, trong cương vị chuyên viên cao cấp của mình, khi còn hoàn toàn khoẻ mạnh cũng như khi tuổi cao sức yếu và cả khi đã nghỉ hưu, ông Vương Quỳnh Sơn liên tục có những chuyến công tác dài ngày ở những vùng cao vùng xa, vùng sâu. Bất kỳ đi đến đâu, ở địa bàn công tác nào, một thứ như là trời cho, ông lập tức trở thành người thân của bà con các dân tộc anh em. Rất nhiều nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực dân tộc, miền núi hoặc xã hội học, các nhà văn nhà báo đã tìm thấy đã học hỏi, chia sẻ ở ông nhiều kiến thức kinh nghiệm. Dài dòng mà cũng là vắn tắt chút lý lịch trích ngang của Vương lão đồng chí như thế...
Ông đã đưa tôi đến nhiều sự tình cờ thú vị. Lần ấy, đầu năm 90, viết mấy kỳ báo về những hậu duệ Vua Mèo và khu dinh thự Sà Phìn, tôi bất ngờ nhận được bức thư nhà văn Tô Hoài viết trên một trang vở học trò bé hơn khổ A4 gửi theo đường bưu điện nói ông đã đọc kỹ các kỳ báo và mách cho tôi một việc mà khi gặp ông sẽ nói...
Đó là lần đầu tôi gặp nhà văn Tô Hoài.
Mùa khô ráo năm 2000, nhân Vương lão đồng chí có chuyến leo cao nguyên đá Đồng Văn (lại biết thêm Vương lão đồng chí vốn rất quí mến tác giả Vợ Chồng A Phủ cũng là nhà văn duy nhất ở nước Việt nói được tiếng Mông) tôi đánh bạo ngỏ với nhà văn Tô Hoài một chuyến theo Vương lão đồng chí. Cụ tiên chỉ vui vẻ đồng ý liền. Cẩn thận hơn, tôi còn lấy được cái công văn có chữ ký của Chủ tịch Hội văn bút Việt Nam Hữu Thỉnh kính đề nghị ông Chủ nhiệm UBDT (khi đó là ông Hoàng Đức Nghi, nay đã là người thiên cổ) tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chuyến thượng sơn của nhà văn Tô Hoài. Chuẩn bị khởi hành thì xảy ra một trục trặc đơn giản là đệ nhất (và là duy nhất) phu nhân của tiên chỉ Tô Hoài không cho ông cụ đăng sơn, khăng khăng rằng sức khoẻ ông lão kém! Đành chịu vậy. Lần ấy leo cao nguyên Đồng Văn không có nhà văn Tô Hoài.
Chuyến đi ấy cũng vỡ vạc ra kha khá những việc viết lách sau này. Các chuyến tôi lên tiếp Đồng Văn, Mèo Vạc mà không phải bám theo Vương lão đồng chí.
...Trở lại chuyện mà nhà văn Tô Hoài hẹn trong lá thư là chi tiết xích mích hiềm khích giữa hai dòng họ Vương và Dương. Vương Chính Đức ở Đồng Văn và Dương Trung Nhân ở Mèo Vạc. Mối hiềm khích ấy từ đời nào chả rõ... Có lần hai dòng họ thế lực ấy phải nói chuyện với nhau bằng vũ lực!
Rồi tôi được Vương lão cho coi một lá thư của một hậu duệ họ Dương tên là Dương Đạo từ nước ngoài gửi cho Vương lão. Người cháu trực hệ Dương Trung Nhân ấy đã bày tỏ mối cảm kích trước công sức nhiệt tình mà Vương lão qua nhiều năm nhằm hàn gắn mối hiềm khích ấy. Với tư cách trưởng một dòng họ Dương có quyền thay mặt cho cộng đồng họ Dương ở Hà Giang cũng như đang sinh sống ở nhiều nước, ông Dương Đạo cho Vương lão biết họ Dương đã nhất trí xóa bỏ mối hiềm khích cũ…
… Sau này, Vương lão đồng chí đã có cuộc thăm dài ngày trên đất Mỹ theo lời mời của cộng đồng người Mông bên đó. Vương lão đồng chí đã có cuộc chuyện trò hơn một ngày với tướng phỉ Vàng Pao. Rằng, Vàng Pao bây giờ đã là một ông già. Vàng Pao đã hé lộ cái tâm sự của người già là muốn được chết trên mảnh đất người Mông ở đất Lào quê hương. Nếu phải nằm lại ở quê người đất khách thì sau này cũng muốn hài cốt được trở về nơi cố quận... Nhưng bất đồ khối u quái ác trong phổi đã chặn đứng mọi nẻo đường thân mến giữa những người viết chúng tôi với Vương lão đồng chí!
Theo Xuân Ba (Tiền Phong)