Mỗi người đến đều tự đóng góp ít nhiều vào bếp nấu của quán, nhưng mọi suất cơm chỉ đồng giá 5000 đồng. Khách là những anh xe ôm, bác xích lô, bà bán vé số, hay cụ già ăn xin…
Quán cơm chay nổi tiếng Sài Gòn |
Bà lão nhất định...không ăn cơm miễn phí
Chủ quán là anh Trần Phước Hoà (38 tuổi) giản dị trong quần jean, áo phông, dáng người hòa nhã, luôn đon đả chào mời những người ghé quá. Gặp người lớn anh gật đầu, các cụ già anh ân cần ra tận nơi dẫn vào, những người bán vé số, ve chai anh cũng đối đải thân thiện. Quán Thiên Phước của anh nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, P.16, Q. 11 – nơi bán cơm chay với giá chỉ 5.000 đồng. Lâu nay là địa chỉ qen thuộc của những người nghèo. Anh Hòa cho biết, những ngày này nắng nóng, người đến khá đông, công việc phục vụ khách cũng hơi vất vả: “Trời nắng nóng, người ta ăn sớm để nghỉ trưa, người làm bếp cũng căng mình ra nấu”, anh Hòa nói.
Trong lúc hiếm hoi vì khách vãn, anh Hòa kể về những câu chuyện của quán. Anh nói với giọng buồn: “Hôm nay vẫn không thấy bà cụ bán ve chai đâu cả”. Bà lão bán ve chai anh đang nhắc tới là một người đặc biệt. Là vị khách quen thuộc, nhưng lại cá tính. Mấy ngày này bà giận anh chỉ vì anh không chịu nhận 5 ngàn đồng cho một suất cơm mà cụ đã ăn. Anh Hòa giải thích “Đó là bà cụ đã 82 tuổi bán ve chai từng nhiều lần đến quán Thiên Phước để ăn cơm chay. Thấy bà cụ già cả vẫn phải lang thang khắp các ngõ ngách Sài Gòn mưu sinh, tôi cảm thấy xót lòng nên quyết định không lấy tiền cơm của bà cụ. Bởi, 5000 đồng có thể giúp cụ nhiều, còn tôi vẫn còn có anh, em bạn bè ủng hộ nên có thể gắng được”.
Vậy là bữa hôm bà ghé ăn, thay vì vui mừng khi được vị chủ quán thông báo miễn phí hoàn toàn suất cơm, bà phản ứng gay gắt. Bà cuống quýt dúi vào tay anh chủ quán đồng 5.000 phẳng phiu và nói: “Bà còn khỏe, mỗi ngày vẫn kiếm được đồng ra đồng vào. Con hãy cho bà góp những đồng tiền này cho những người nghèo hơn”. Anh Hòa tươi cười nhất định không cầm, bà lão hôm đó đã ra về có vẻ buồn bã. Nhưng cũng từ đó đến nay gần 2 tuần trôi qua, bà cụ không ghé quán ăn cơm, thậm chí cũng không đi ngang qua con đường này nữa. “Thương bà cụ quá, tôi chỉ muốn giúp bà cụ thôi, vậy mà bà giận. Điều này khiến tôi khổ sở và buồn tủi vô cùng vì đã phụ tấm lòng bà cụ”, anh Hòa rầu rĩ.
Khi vị chủ quán đang dở câu chuyện thì xuất hiện một người đàn ông dáng người nhỏ thó, da sạm đen, một tay cầm xấp vé số, đẩy một cậu bé bị bại liệt nằm trên xe ghé vào quán cơm. Vừa thấy mặt chủ quán, anh vừa tươi cười chạy lại vác bao gạo nặng chừng 50kg đem vào quán cùng những hộp xốp đựng cơm. Anh Hòa liền thảng thốt: “Trời ơi! Sáng giờ anh bán được nhiều không mà đem chi gạo vô đây dữ vậy?”. “Được 50 ngàn đó chú. Cho tôi góp cùng với mấy cô mấy chú trong này ít gạo để chung vui cùng mọi người”, người đàn ông này nói. Theo chủ quán, người đàn ông này tên Nguyễn Văn Hòa (40 tuổi), khách quen của quán. Hàng ngày, anh đi bán vé số cùng với đứa con bại liệt. Nhiều người thương tình đã góp tiền bạc đưa cho hai cha con nhưng anh một mực từ chối. Bởi theo anh: “Tôi vẫn có thể lao động nuôi sống mình và con thì không thể nhận tiền của người khác cho. Chỉ khi nào tôi không còn tiếp tục lao động được nữa mới nhận sự giúp đỡ của người khác”.
Theo anh Hòa, đây không phải là lần đầu tiên quán nhận được sự giúp đỡ của những người cũng nghèo “từ trứng nước nghèo ra”. Một bà cụ bán chuối 88 tuổi cũng thường xuyên đến quán ăn cơm nhưng nhất định không chịu ăn miễn phí. Một chị bán hàng rong thỉnh thoảng ghé quán đưa mớ rau, chai nước tương… “Những món quà ấy đối với nhiều người chẳng đáng là bao nhưng đối với người nghèo thì đây là một khoản tiền lớn. Thế nhưng họ vẫn luôn sẻ chia. Tôi trân trọng họ vô cùng”, anh Hòa xúc động nói. Với lập luận như vậy của mọi người, vị chủ quán cũng đành phải chiều lòng. Anh Hòa cho biết, ở quán gần như ai đến đây ăn, nhưng đều muốn để lại những gì đó lớn hơn giá trị đã lấy đi. Mọi người thấy vậy nên cũng hướng ứng, làm theo. Và nơi đây trở thành nơi gặp gỡ của tình yêu thương, sự tương trợ.
Triết lý sống là cho đi
Người nghèo được phục vụ tại quán |
Anh Hòa tâm sự, để vận hành một quán cơm giá 5000 nhưng phần lớn miễn phí cho người nghèo, cũng không phải đơn giản. Để có được khoảng gần 300 suất cơm mỗi ngày, một nhóm hơn 6 người tình nguyện và 2 bếp chính, mọi người phải dậy từ khá sớm. Đặc biệt, chủ quán tự tay đi chợ lựa từng mớ rau để chế biến mấy món chay. “Chúng tôi đề ra những nguyên tắc, dậy sớm, ra chợ đến những mối chay quen thuộc lấy hàng, chọn những thực phẩm tốt nhất, để không quá nhiều gia vị mà vẫn chế biến được những món chay chất lượng. Khi chuẩn bị nguyên liệu xong, anh Hòa cùng những đầu bếp lại lao vào nấu, chuẩn bị các suất cơm. Công việc nấu cũng khá vất vả, nhất là trong thời điểm trời nắng nóng kéo dài như hiện nay. “Nhìn những đầu bếp nấu mồ hôi nhễ nhại, mình cũng thương, nhưng anh em tự động viên nhau, vì người nghèo, lấy sự phục vụ làm niềm vui nên ai cũng nhiệt huyết”, anh Hòa tâm sự.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ chuẩn bị, cơm và thức ăn nấu chín được chia thành từng suất trên các khay nhựa đặt ngay ngắn trên các kệ sắt trông rất sạch sẽ, ngon miệng. Tầm 10h sáng quán bắt đầu đông khách và các suất ăn sẽ hết tầm 12h trưa. Những người tình nguyện lại loay hoay dọn dẹp, thu xếp bàn ghế, vệ sinh quán. Công việc tuy nặng nhọc, vất vả nhưng ai cũng nhiệt tình, không một chút nề hà gì cả. Hôm nào khi quán đã vãn khách mà còn dư thức săn thì mọi người sẽ cùng ngồi lại ăn cơm, còn hôm nào không còn gì thì ai về nhà ấy ăn cơm trưa.“Nhiều người bảo, sao mình là chủ lại phải ăn sau, mà lại phải ăn “cơm thừa, canh cặn”, tôi chỉ nói rằng, người nghèo ăn được thì mình cũng ăn được. Chỉ thấy những người nghèo no bụng để có sức lao động là tôi vui rồi”, anh Hòa nói.
Theo cậu sinh viên tình nguyện tại quán, hầu như ngày nào cũng hết sạch cơm nên họ cũng không ăn trưa luôn. Mặc dù quán mới khai trương vào tháng 9/2013 nhưng đến nay đã trở thành địa điểm không thể thiếu của người lao động nghèo. Có một đặc điểm là quán mở gần vựa ve chai Lò Siêu, Q.11 nên hàng ngày luôn tấp nập người đi lượm ve chai qua lại rồi thành quen lúc nào không hay. “Ở đây chúng em được chủ dạy cách ứng xử với người nghèo, những người hơn bao giờ hết cần sự giúp đỡ. Em nhận thấy một điều, họ không có tiền bạc nhưng chính họ là những người giàu có nhất, đó là tâm long. Ở đây một người nghèo họ có thể mang gạo cho, họ có thể trích một phần tiền nhỏ của mình để ủng hộ quán. Ra ngoài xã hội, đâu dễ có cảnh này, ví dụ nhưng xe thủng săm giữa đường, nếu thiếu 1000 chưa chắc người ta cho. Nhưng ở đây, lối ứng xử đầu tiên là cho đã, và khi cho rồi thì người ta sẽ được nhận nhiều hơn”, cậu sinh viên nói.
Cô Phạm Thị Kim, 62 tuổi, quê Quảng Ngãi vừa ăn tại quán cho biết, ngày đầu tiên mở quán cơm này, cô nghĩ chắc là đắt tiền lắm. Thế nhưng, đến ngày thứ 2, tấm biển “cơm chay 5.000 đồng” đập vào mắt khiến cô vào ăn thử và ăn miết đến tận bây giờ. Cô nói: “Cơm ở đây vừa rẻ vừa ngon, vừa no cái bụng. Ngày trước ăn bậy bạ, lúc thì bánh mì, hủ tiếu, khi cơm 10 ngàn nhưng cứ đi được một chặp lại đói hoa con mắt”.
Anh Hòa tâm sự: “Tôi không giàu có gì chỉ nhưng cũng muốn góp một phần nhỏ để cuộc sống của những người lao động nghèo khổ đỡ vất vả nhọc nhằn. Ban đầu tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn cứ tích góp dần dần rồi bạn bè, người thân cũng ủng hộ thêm vào. Cũng may mắn, giờ có các tình nguyện viên nên cũng đỡ vất vả hơn. Sắp tới, tôi sẽ mở thêm máy lạnh cho bữa cơm của mọi người thêm tươm tất”. Mong rằng, với tấm lòng thiện nguyện vì người nghèo, kế hoạch của chủ quán tốn bụng sẽ sớm thành hiện thực.
Theo H.Phi (Gia Đình & Xã Hội)