"Mưa sẽ kéo dài từ nay đến khoảng thứ tư ngày 26/7, sau đó nắng nóng xuất hiện trở lại, nhưng cũng chỉ tương đối, không gay gắt", ông Hải nói.
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra, đó là khi nào những cơn mưa thường xuyên này sẽ chấm dứt?
Ảnh minh họa mưa lớn gây ngập đường Nguyễn Tuân (Hà Nội). |
Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng, khu vực miền Bắc và Hà Nội cảm thấy năm nay mưa nhiều vì 3 năm gần đây (2014, 2015, 2016) thời tiết chịu ảnh hưởng mạnh của El Nino, dẫn đến lượng mưa luôn thấp hơn trung bình nhiều năm, hạn hán kéo dài.
Năm nay, do khí hậu ở trạng thái trung tính, không nghiêng về pha nào nên người dân ở các khu vực cảm thấy mưa nhiều.
"Tuy nhiên, theo quan trắc của chúng tôi, trong tháng 6 vừa qua ở Bắc Bộ, số ngày mưa thì nhiều hơn nhưng lượng mưa chỉ có 6/13 trạm đạt mức trung bình nhiều năm, còn lại 7 trạm vẫn thiếu hụt.
Cụ thể, tại Hà Nội, tại trạm Láng hụt 17% so với trung bình nhiều năm, tại Sơn Tây hụt 5%, tại Ba Vì hụt tới 35%, duy có trạm Hà Đông thì cao hơn trung bình nhiều năm 28%.
Tuy vậy, thực tế ở Hà Nội trong tháng 7, số ngày mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm một chút (trung bình nhiều năm 20-22 ngày), còn trong tháng 8 sẽ xấp xỉ, số ngày có mưa khoảng 24 ngày", ông Hải thông tin.
Đối với đợt mưa đang diễn ra ở các tỉnh phía Bắc và Thủ đô Hà Nội, theo ông Hải đây là do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ gây mưa.
"Mưa sẽ kéo dài từ nay đến khoảng thứ tư ngày 26/7, sau đó nắng nóng xuất hiện trở lại, nhưng cũng chỉ tương đối, không gay gắt", ông Hải nói thêm.
Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung tương cũng nhận định, dự báo trong cả mùa bão năm 2017 có khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng 12 cơn).
Trong số đó, từ nay đến cuối năm, dự báo sẽ còn khoảng 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và tập trung ở khu vực Trung Bộ.
Trước đó, theo các chuyên gia thời tiết, mặc dù lượng nước trên các sông đang lên nhanh nhưng đến nay, số liệu quan trắc ghi nhận, lưu vực sông Đà mới có 8/21 trạm vượt mức trung bình nhiều năm, lưu vực sông Lô, sông Thao ghi nhận 15/25 trạm vượt mức trung bình.
Dự báo, khi hồ Hòa Bình tăng thêm 1 cửa xả thì mực nước sông Hồng tại Hà Nội cũng chỉ ở mức xấp xỉ báo động I, gây ngập ở khu bãi giữa.
Về tình hình mưa trong tháng 8/2017 là giai đoạn có khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng nhiều nhất và lượng mưa trong các tháng 8-9 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, từ tháng 10-12/2017 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)