Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet. |
Những ngày qua, thời tiết Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có mưa kéo phùn kéo dài cả ngày, trời nồm ẩm gây khó chịu cho mọi người.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, thời điểm hiện tại là mùa mưa phùn, ẩm ướt và vẫn thường xuất hiện sau khi hết Tết Nguyên đán.
Hiện nay, tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ đang chịu ảnh hưởng của cả hai dạng mưa phùn nóng và lạnh nối tiếp nhau liên tục.
Với mưa phùn lạnh, tình trạng mưa phùn ẩm ướt sẽ diễn ra cả ngày, còn với mưa phùn nóng, tình trạng này chỉ diễn ra buổi sáng sớm và ban đêm.
"Đợt mưa phùn lạnh sẽ kéo dài đến hết tuần, sau đó thời tiết tiếp tục chuyển sang mưa phùn nóng. Sang đầu tuần sau Hà Nội tiếp tục đón đợt không khí lạnh mới, lúc đó mưa phùn lạnh sẽ quay trở lại và diễn ra trong thời gian dài.
Khí đó Hà Nội tiếp tục có sương mù dày đặc", ông Hải thông tin.
Trả lời câu hỏi, khi nào kết thúc dạng thời tiết này? Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, hiện nay các dự báo cho thấy thời tiết này sẽ diễn ra trong một thời gian dài và chỉ khi nào nắng bừng lên thì mới kết thúc.
"Theo dự báo thì sang tháng 4 kiểu thời tiết thế này sẽ giảm dần đi, các đợt mưa phùn lạnh và mưa phùn nóng không kế tiếp nhau nữa, đan xen bằng các đợt nắng ấm.
Đến tháng 5, mùa mưa phùn sẽ kết thúc, khi đó sẽ có các đợt mưa rào xuất hiện bất chợt trong ngày", ông Hải nhận định.
Ông Hải cũng cho biết thêm, năm 2012 mùa mưa phùn kéo dài liên tục trong 2 tháng, sương mù dày đặc khiến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) buộc phải đóng cửa vì tầm nhìn xa giảm, máy bay không hạ cánh được.
Còn ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương cho biết, trong tháng 3 và 4, không khí lạnh vẫn tác động đến khu vực phía Bắc nhưng cường độ yếu và tần suất thấp hơn trung bình nhiều năm.
"Riêng tháng 3, miền Bắc có khả năng chịu ảnh hưởng từ 3-4 đợt không khí lạnh. Các đợt lạnh này có cường độ không mạnh và ít có khả năng gây rét đậm, rét hại trên khu vực", ông Cường nói.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, năm nay, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện sớm trên Biển Đông với số lượng lớn hơn trung bình nhiều năm trong các tháng đầu mùa mưa bão và tập trung ở khu vực Bắc Biển Đông.
Trong tháng 3, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Tháng 4 - 5 là thời gian chuyển mùa nên các hiện tượng dông, sét, tố, lốc, mưa đá sẽ xuất hiện gia tăng về tần suất trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra cảnh báo, từ tháng 3-5/2017, lượng mưa có khả năng thiếu hụt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, mùa mưa có khả năng đến muộn hơn ở Bắc Bộ và đến sớm hơn ở phía Nam.
Nhiệt độ trung bình 3 tháng tới trên phạm vi cả nước cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1 độ C. Nắng nóng có xu hướng xuất hiện muộn và khả năng không kéo dài, không gay gắt.
Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)