Bão số 13 bắt đầu giảm cấp so với sáng cùng ngày
Chiều 14/11, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện bão số 13 đang cách Đà Nẵng khoảng 187km, Thừa Thiên Huế khoảng 280km, Quảng Trị khoảng 330km. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (115-150km/h), giật cấp 16.
Như vậy, so với thời điểm sáng nay, hiện sức gió gần tâm bão số 13 đã giảm 1 cấp, từ cấp 14, giật 17, xuống cấp 13 giật cấp 16.
Theo ông Năng, hiện bão đã vào vùng giám sát của các trạm radar thời tiết ven biển Việt Nam và Trung tâm đã có thể quan trắc được toàn bộ cấu trúc cơn bão. Các trạm quan trắc cũng đã ghi nhận được gió mạnh tại đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ.
Trong chiều nay, khu vực biển từ Quảng Ngãi - Thừa Thiên Huế sẽ có gió mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 13 - là cấp gió rất mạnh có thể ảnh hưởng đến các tàu thuyền, khu tránh trú, neo đậu bão, nuôi trồng thủy sản. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác, phòng tránh.
Lý giải lý do khiến bão số 13 có thể tăng được 2 cấp trong đêm 13/11 lên mức "cuồng phong", TS Dư Đức Tiến, Trưởng phòng Dự báo Số trị Viễn thám, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia nêu rõ:
Theo số liệu quan trắc các điều kiện về nhiệt bề mặt biển, thông lượng nhiệt không thay đổi nhiều, nhưng do dòng ra trên cao mạnh lên khiến cho kích cỡ bão nhỏ lại tạo điều kiện tiềm năng cho bão nhỏ lại với cường độ mạnh lên (theo bảo toàn năng lượng và động lượng - bão đang to thu nhỏ lại thì gió phải mạnh lên).
Về diễn biến tiếp theo của cơn bão, TS Dư Đức Tiến cho biết, lúc trưa 14/11, bão đã bắt đầu đi vào khu vực vùng biển lạnh, có dấu hiệu tương tác với không khí lạnh nên bão số 13 có khả năng bắt đầu suy giảm về cường độ trong 3-6 giờ tới.
Ông Tiến dự báo, khi tiến gần hơn vào đất liền, các đảo như Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm; các tàu thuyền ở ven bờ, trong các khu neo đậu, các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có thể chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.
Trên đất liền, từ trưa 14/11, trên đất liền từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng ven biển có nơi cấp 10, giật cấp 12.
Từ chiều 14/11 đến ngày 16/11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 350mm; ở Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa từ 50-150mm/đợt.
Như vậy, tất cả các hoạt động trên đất liền và ven biển sẽ có nguy có rất cao chịu ảnh hưởng của mưa bão và gió mạnh từ trưa và chiều ngày hôm nay.
Các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có thể chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, trong đó vùng trọng tâm là Quảng Bình đến Quảng Nam.
Vì sao bão số 13 giảm cấp khi vào gần bờ?
Giải thích thêm về lý do bão số 13 giảm cấp khi vào gần đất liền, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng, nhiệt độ bề mặt nước biển trên toàn bộ khu vực bão số 13 di chuyển phổ biến khoảng 27 độ C nên bão giữ cường độ mạnh cao.
Nhưng khi bão vào vùng gần ven bờ, nhiệt độ bề mặt nước biển thấp (dưới 27 độ C) nên bão số 13 sẽ suy yếu trước khi áp sát đất liền.
Còn ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng, bão số 13 sẽ gây gió mạnh trong đất liền và ven biển miền Trung là thấp hơn so với bão số 9. Bởi không khí lạnh sẽ tác động tới bão số 13 nhiều hơn so với bão số 9 và ít hơn so với bão số 8.
Cụ thể, ông Lâm cho hay, sau khi xem xét kỹ các điều kiện nhiệt động lực quanh bão số 13, bão số 8 và bão số 9 cho thấy rõ, khối không khí lạnh hiện nay khô dày, trải rộng hơn so với khối không khí ngày 27-28/10 của bão số 9, tương đương với khối không khí quanh bão số 8
Đối với bão số 13, số 8 và số 9 có cường độ cực đại tương đương nhau đều cấp 13-14. Tuy nhiên, bão số 13 có vị trí thấp hơn bão số 8 và cao hơn một chút so với bão số 9.
"Do đó, bão số 13 có nhiều cơ hội để "né" được không khí lạnh và khô hơn so với bão số 8, nhưng lại không được "may mắn" thoát được sự ảnh hưởng của không khí lạnh hẳn như bão số 9", ông Lâm chỉ rõ.
Hết sức đề phòng khi mắt bão số 13 đi qua
Đại diện Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho hay, mắt bão có thể to ra, thu hẹp lại hay nhân đôi lên và có thể tạo nên nhiều vòng thành mắt bão. Sự biến đổi của mắt bão và thành mắt bão gây nên các biến đổi về tốc độ gió và cường độ bão.
Cũng theo đại diện Trung tâm, mắt bão - là một vùng tương đối lặng gió, quang mây. Do lực ly tâm làm không khí trong vùng trung tâm bão giãn ra nên mật độ không khí ở đây rất thấp và khí áp giảm xuống thấp nhất.
Đường kính trung bình của mắt bão khoảng 30 - 60 km. Khi ở trong khu vực mắt bão, người ta thường rất ngạc nhiên khi thấy gió và mưa đang xảy ra rất dữ dội lại đột nhiên ngừng hẳn, trời quang, mây tạnh.
Nhưng ngay khi mắt bão đi qua gió mạnh và mưa xuất hiện lại ngay, cũng đột ngột như trước khi mắt bão đi qua, nhưng với hướng gió ngược lại.
Trong thực tế phải hết sức chú ý đến hiện tượng này vì dễ tạo tâm lý chủ quan khi cho rằng bão đã đi qua và không cần phòng, tránh.
Theo Hoàng Đan (Tổ Quốc)