Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 13 (bão Vamco), UBND TP Đà Nẵng đã triển khai các phương án di dời các hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Đến 12 giờ trưa nay (14/11), hầu hết các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng do bão trên địa bàn Đà Nẵng... đã được di tản đến nơi trú ẩn an toàn.
Theo ghi nhận của PV, sáng 14/11, tại khu dân cư Tân Trà (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) nơi có hàng chục nhà cấp 4 của người dân không kiên cố, chính quyền địa phương, quân đội, công an đã đến từng hộ dân hỗ trợ di dời người dân di dời đến nơi an toàn.
Bà Huỳnh Thị Rúng (tổ 71, khu dân cư Tân Trà, phường Hòa Hải) cho biết, bà sống trong căn nhà cấp 4. Nhà nhỏ, xuống cấp nên khi nghe tin bão số 13 đổ bộ vào nên bà rất lo lắng.
"Trong vòng 2 tháng mà phải chạy bão đến 3 lần, chưa có năm nào thiên tai lại khắc nghiệt như vậy. Tối qua lo quá ngủ không được nên sáng nay dậy sớm, 2 mẹ con tôi thu dọn đồ đạc để đi sơ tán. Mong sao bão nó giảm cấp để đỡ thiệt hại nặng chứ không thì năm nay khỏi ăn Tết luôn chú ơi”, bà Rúng thở dài chia sẻ.
Vừa hối hả thu dọn quần áo và bọc theo vài gói mì tôm để "chống đói", bà Lê Thị Gái (69 tuổi, trú khu dân cư Tân Trà, phường Hòa Hải) buồn rầu cho biết: "Nghe nói cơn bão này mạnh nên tôi lo quá. Chừ dọn dẹp nhanh rồi xe của phường qua chở lên nhà kiên cố tránh bão. Còn nhà thì may là hôm qua bộ đội và công an đến giúp chằng chống, gia cố lại rồi. Cầu trời, khấn phật cho bão không gây thiệt hại gì, chứ vừa hết dịch thì lại đến bão lũ miết, chắc mất Tết luôn quá".
Trao đổi với PV, ông Hoàng Chí Trung – Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải, cho biết trong ngày 13 và sáng sớm 14/11, đơn vị đã chỉ đạo cho các lực lượng thông báo cho người dân sinh sống ở trong nhà cấp 4 không kiên cố, nhà tạm, đến những vị trí mà phường đã bố trí để tránh bão.
"Phường đã lập 2 tổ công tác, xuống hỗ trợ và sơ tán dân khu dân cư Tân Trà về tại các vị trí kiên cố tránh bão đảm bảo an toàn cho người dân. Đây là những khu dân cư thu nhập thấp nên nhà cửa không kiên cố nên phải sơ tán khẩn. Trong quá trình di dời dân, người dân chấp hành nghiêm túc nên công việc diễn ra thuận lợi", ông Trung nói.
Vừa được đưa đến điểm trú bão an toàn tại nhà tránh bão đa năng Lộc Phước trên đường Nguyễn Phan Vinh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), bà Lê Thị Lá (67 tuổi) cho biết, gia đình thuộc hộ nghèo, nhà ở sát biển lại tạm bợ, nhiều năm nay không được sửa sang lại nên vách đã nứt toác, nghe tin bão đến, cả gia đình bà rất lo lắng. Khi được phường đến tận nhà đón 4 thành viên trong gia đình tới nơi trú ẩn an toàn này, bà rất mừng.
Bà Lá cho biết thêm, sinh ra và lớn lên tại miền Trung nên bà đã chứng kiến và trải qua hàng chục cơn bão lớn nhỏ thường xuyên ập vào miền đất này. Thế nhưng, cứ mỗi lần nghe tin có bão là bà lại rất lo sợ. Năm nay, Đà Nẵng vừa mới trải qua cơn "bão dịch" thì lại liến tiếp đón các cơn bão thiên tai ập đến, khiến bà không khỏi bất an.
"Tôi đang rất lo vì cơn bão này rất mạnh, nhà lại chỉ người già và trẻ nhỏ, nhưng sáng nay thấy chính quyền tới hỗ trợ, tôi rất cảm động. Hi vọng cơn bão này sẽ suy yếu trước khi vào đổ bộ vào đất liền để bà con còn ổn định cuộc sống và làm ăn để còn đón Tết nữa...", bà Lá tâm sự.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, tính đến 9 giờ sáng 14/11, các quận, huyện tiến hành sơ tán gần 92.631 người dân. Trong đó, quận Liên Chiểu tiến hành sơ tán 59.192 người, trong đó có nhiều công nhân, sinh viên đang thuê ở trọ trong những căn phòng không bảo đảm an toàn.
Tại huyện Hòa Vang, lực lượng chức năng cũng đã sơ tán 13.859 người, trong đó có 1.208 người dân ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét tại các xã Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Bắc. Còn quận Sơn Trà sơ tán 6.870 người và quận Thanh Khê là 3.208 người,...
Theo Hà Nam - Văn Thành (Pháp Luật & Bạn Đọc)