Chương Mỹ sẽ phải sống chung với lũ đến năm 2020

04/08/2018 21:34:13

Lụt ở Chương Mỹ: Khốn đốn rác tràn vào nhà, vớt mỏi tay không hết

Chủ tịch huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho rằng do nằm trong vùng quy hoạch thoát lũ nên trước mắt người dân một số xã phải sống chung với ngập lụt.

Sáng 4/8, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đi kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục lũ lụt và làm việc với UBND huyện Chương Mỹ.

Chương Mỹ sẽ phải sống chung với lũ đến năm 2020
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm hỏi, tặng quà cho người dân vùng bị ảnh hưởng của lũ lụt tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đề nghị di dân khỏi vùng thoát lũ

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, mưa lũ đã làm khoảng 3.600 hộ dân bị ngập, trong đó có 300 gia đình bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m. Tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng đều đã được hỗ trợ 15-20kg gạo một người, 2-3 thùng mì tôm một hộ. Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ nước sạch, gia vị, sữa, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí.

“Hiện nay không có hộ dân nào thiếu lương thực, thiếu nước sạch. Bà con chỉ bị ảnh hưởng do ngập lụt làm cuộc sông đảo lộn", ông Hùng khẳng định.

Bên cạnh đó, nước rút đến đâu, ngành điện đi kiểm tra, thay thế miễn phí thiết bị hỏng và cấp điện trở lại cho bà con sinh hoạt...

Lãnh đạo Chương Mỹ cho hay, huyện đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ rất lớn từ chính quyền thành phố, quận, huyện và các tổ chức đoàn thể, các đơn vị "rầm rập" đem lương thực, thực phẩm hỗ trợ nhân dân nên "bà con cảm thấy rất vững tin và ấm lòng".

"Có lẽ số lượng hàng hoá, tiền cứu trợ cho tới thời điểm này phải gấp 2-3 lần năm 2017", ông Hùng nói.

Chương Mỹ sẽ phải sống chung với lũ đến năm 2020 - 1
Cảnh sinh hoạt của một gia đình bị ảnh hưởng bởi ngập lụt tại huyện Chương Mỹ vào trưa 4/8. Ảnh: Ngọc Thành.

Theo Chủ tịch huyện Chương Mỹ, chính quyền và người dân với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang đã chủ động, dũng cảm "bảo vệ thành công đê Tả Bùi", đồng thời đảm bảo an toàn an ninh trật tự và tính mạng người dân trong vùng xả lũ.

Người đứng đầu chính quyền huyện cho rằng, do khu vực hữu Bùi phần lớn diện tích nằm trong vùng trũng thấp, bị ảnh hưởng nặng nề của lũ rừng ngang từ Hòa Bình, các huyện Quốc Oai, Thạch Thất dồn về và nước mưa nội địa, chưa có giải pháp nào để giải quyết triệt để. Một số xã nằm trong quy hoạch vung thoát lũ "do đó năm 2019, 2020 xác định bà con vẫn phải sống chung với lũ".

Để người dân các xã nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên hạn chế cuộc sống bấp bênh, yên tâm sống, sản xuất, sinh hoạt trong điều kiện buộc phải sống chung với lũ, huyện Chương Mỹ đề nghị thành phố sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới giao thông, cung cấp nước sạch, công trình công cộng. Ngoài ra, huyện đề nghị, thành phố đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống đê Tả Bùi, Hữu Bùi và nạo vét sông Bùi cho nước thoát nhanh hơn.

"Về lâu dài, huyện kiến nghị thành phố di dân ra khỏi khu vực thoát lũ", ông Đinh Mạnh Hùng nói.

Nghiên cứu thoát lũ chung cho cả đồng bằng bắc bộ

Biểu dương tinh thần chủ động ứng phó với mưa lũ của chính quyền và người dân Chương Mỹ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị chính quyền hỗ trợ đảm bảo cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng. Ông yêu cầu rà soát lại các thiệt hại để có đánh giá chính xác và trên cơ sở đó có cơ chế, chế độ chính sách hỗ trợ người dân.

“Tôi nhấn mạnh là phải đặc biệt quan tâm đến đời sống, đến tính mạng của bà con, không được để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào như bị đuối nước nữa, không được phép chủ quan, mất cảnh giác” ông Hải lưu ý trước việc có 3 người bị thiệt hại do đuối nước tại huyện trong những ngày qua.

Chương Mỹ sẽ phải sống chung với lũ đến năm 2020 - 2
Sáng 4/8, nhiều khu vực tại Chương Mỹ vẫn ngập sâu, người dân phải di chuyển bằng thuyền. Ảnh: Ngọc Thành.

Theo Bí thư Hà Nội, với tình trạng ngập úng, đọng nước kéo dài thì dịch bệnh rất dễ xảy ra, do đó cần chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng ngập úng, đồng thời, tổ chức tốt công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường. Ông Hải cũng đề nghị các sở ngành liên quan của thành phố phải phối hợp chặt với huyện Chương Mỹ để chuẩn bị chương trình phục hồi sản xuất sau mưa lũ.

Lãnh đạo thành uỷ Hà Nội cho biết, theo dự báo khí tượng thủy văn, 15 ngày đầu tháng 8 trên địa bàn thành phố vẫn sẽ tiếp tục có mưa ở mức mưa vừa và mưa to, có thể mưa 100 mm. Trong khi đó, mức nước ở vùng ngập úng hiện rút chậm, chỉ khoảng 10-15 cm/ ngày nên tình hình ngập lụt sẽ còn kéo dài, đòi hỏi phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ công tác ứng phó, chăm lo đời sống nhân dân.

Ông Hải thông tin, sau trận lụt lịch sử năm 2008, thành phố đã có nhiều giải pháp nâng cao năng lực tiêu thoát nước của thủ đô, trong đó nâng năng lực thoát nước từ 170mm trong 2 ngày lên đến 371mm. Tới đây thành phố tiếp tục đầu tư giai đoạn 3 để đáp ứng việc ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu cực đoan đang diễn ra.

Ông so sánh, năm 2017 Chương Mỹ đã bị ngập lụt, lượng mưa tính được tương đương trận lũ lịch sử của thủ đô năm 2008. Nhưng năm nay mưa lũ còn lớn hơn mức lịch sử (đạt đỉnh 7,51m lúc 1h ngày 30/7).

"Khả năng tiêu của đồng bằng Bắc Bộ giảm hơn trước do nhiều năm ít được đầu tư. Toàn bộ vùng Chương Mỹ phụ thuộc vào việc tiêu nước ở sông Đáy và sông Hoàng Long. Nếu không đầu tư, lại có biến đổi khí hậu thì tình hình càng nghiêm trọng hơn", Bí thư Hải nói và cho hay Tổng cục thuỷ lợi đang nghiên cứu thoát lũ chung cho cả vùng đồng bằng bắc bộ.

Để ổn định cuộc sống người dân vùng lũ, Bí thư Hà Nội đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu các giải pháp về đê Hữu Bùi, Tả Bùi, cách bố trí dân cư, đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra giải pháp căn cơ hơn để ổn định cuộc sống nhân dân.

Chương Mỹ nằm phía Tây Nam Hà Nội, phía Bắc giáp huyện Quốc Oai; phía Đông giáp quận Hà Đông, huyện Thanh Oai; phía Nam giáp huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức; phía Tây giáp với huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Tổng diện tích tự nhiên là 237,4 km2, lớn thứ ba trong 30 quận huyện và thị xã của Hà Nội. Huyện có 337.000 dân, với 32 đơn vị hành chính cấp xã.

Địa bàn huyện có ba sông Bùi, Tích phía Tây, sông Đáy bao bọc phía Đông. 9 xã gồm Thủy XuânTiên, Tân Tiến, Nam Phương, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Tốt Động, Mỹ Lương, Hồng Phong, Đồng Lạc được bảo vệ bởi hệ thống đê cấp 4 là tả Bùi và hữu Bùi cùng các bờ bao.

Đê tả Bùi dài 14,5 km, đê hữu Bùi dài 18,6 km.

Theo Võ Hải (VnExpress.net)

Nổi bật