Hơn 10 ngày qua, cuộc sống người dân tại các xã thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn bị đảo lộn giữa mênh mông sông nước. Mực nước dâng cao đỉnh điểm 1,5 mét, người dân tiếp tục di chuyển bằng thuyền. Cả thôn Nam Hài (xã Nam Phương Tiến) lác đác chỉ còn vài hộ dân, người nào sinh sống trong những căn nhà cấp 4 đều đã di cư lên vùng cao hơn, "ăn nhờ ở tạm" nhà người thân mong qua ngày. Còn những người ở lại, tranh thủ làm mấy món đồ mây tre đan chứ ruộng vườn ngập hết không còn lại gì. Con đường làng ngày nào giờ thành đường sông, trâu được chăn thả ngay giữa đường. Phương tiện di chuyển chủ yếu thời điểm này là thuyền và cano. Những chiếc quần mưa bình thường có giá 60.000 đồng bỗng tăng đột biến gấp 2 lần trong những ngày này. Người nông dân cực khổ đi bộ giữa con đường làng để xin nước sạch. Mì tôm và nước sạch được chở đến tận tay những hộ dân lác đác tại thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến.
Nam Phương Tiến là xã chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt xả lũ kết hợp mưa lớn năm nay. Chỉ cần một cơn mưa kéo dài chưa đến 30 phút, mực nước có thể dâng lên chừng 15 phân, các phương tiện gần như không thể di chuyển. Không nước sạch, không điện, không lương thực, người dân cố gắng bám trụ với cuộc sống mòn mỏi chờ ngày nước rút. Dù 1/8 là ngày tựu trường nhưng lũ trẻ trong xã vẫn chưa thể đến các điểm trường do nước ngập. Ngày 30/7, các chiến sĩ thuộc nhiều lực lượng khác nhau được huy động đắp hộ đê sông Bùi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Huyện Chương Mỹ cũng đã yêu cầu các xã có tuyến đê tả Bùi đi qua tiếp tục duy trì lực lượng ứng trực, sẵn sàng phương tiện, vật tư để triển khai các phương án ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết. Trước đó, vào tối ngày 29/7, nước từ đầu nguồn đổ về khiến mực nước sông Bùi dâng cao. Đê Hữu sông Bùi cao 6.5m đã bị tràn 1 tuần nay, đê Tả sông Bùi cao 7,5m, đến chiều 30/7, mực nước đã vượt báo động 3. Đoạn sông qua xã Tân Tiến nước đã tràn đê vào nhà dân. Phía chính quyền huyện đã chuẩn bị mì tôm và nước sạch cho bà con các xã thuộc Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ và thị trấn Xuân Mai. Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nếu nước tiếp tục dâng sẽ buộc phải cho tháo nước khu vực đê Hữu sông Bùi và sẽ có thêm một số xã bị ngập. Không chỉ toàn bộ huyện Chương Mỹ bị đe dọa và các khu vực bên trong nội thành Hà Nội (kể cả quận Hà Đông) cũng sẽ xảy ra tình trạng ngập lụt. Theo ghi nhận chiều 31/7, nước tại đê tả Bùi có dấu hiệu rút 30 phân, nhưng chỉ sau một cơn mưa lớn, nguy cơ nước dâng lên rất cao. Các hộ dân 2 bên đê luôn trong tình thế sẵn sàng di tản ngay khi có thông báo từ phía chính quyền địa phương. "Ngập lụt phải kê gà, vịt lên cao. Nước cao từ 17 - 18/7 đã bắt đầu dâng lên. Hôm qua lội nước đến đầu gối. Còn không có nước để tắm rửa cơ, điện trưa nay (31/7) mới đóng cho. Cứu lợn và cứu cả người. Trong trường hợp di dân, nhà gần đê như chúng tôi cứ nơm nớp lo sợ. Phải chạy lên vùng cao thì chỉ còn cách ôm đồ mà chạy" - cô Hồ Thị Định (57 tuổi) chia sẻ. Vịt tràn lên nóc nhà do ngập quá sâu trong vùng đê Tả Bùi. Trong trường hợp khẩn cấp, huyện sẵn sàng di dời 14.000 hộ dân đến nơi an toàn khi nước tiếp tục lên cao. Dọc đê Tả Bùi, hàng nghìn bao cát đã được dựng lên như những "phòng tuyến" ngăn dòng lũ dữ tiếp tục dâng cao. Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)