Tìm ngọc trong đá
Trên nền tảng mạng xã hội TikTok hiện nay, xuất hiện nhiều shop online tổ chức các phiên livestream bán đá quý mập mờ thông tin nhưng vô cùng sôi động, hút khách. Các hoạt động này được nhiều chủ shop trưng ra các rổ đá hoặc các ổ đá quý có giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu, thậm chí có lượt giao dịch chốt giá lên đến vài trăm triệu đồng để chào mời người chơi tham gia.
Để thực hiện các phiên livestream, các shop sẽ cử một nhân viên giấu mặt và liên tục chào bán các ổ đá hoặc rổ đá thô với một giá nhất định do bên bán đưa ra để người mua xuống tiền. Khi đó, người làm nhiệm vụ “trình đá” sẽ dùng đèn soi chiếu các góc cạnh của đá ngọc. Nếu người chơi thấy các viên đá có tiềm năng, cuộc chơi “tìm ngọc trong đá” chính thức bắt đầu…
Tuy nhiên, tại các giao dịch trong phiên livestream, nhân viên shop sẽ không nói ổ đá đó trị giá bao nhiêu tiền là sử dụng thuật ngữ là “M”. Tức là, một viên đá có trị giá 20 triệu đồng sẽ được nhân viên shop nói là 20M, hay 15M nghĩa là số tiền được hiểu là 15 triệu đồng. Nếu khách hàng chốt mua giá đó, nhân viên shop sẽ hướng dẫn người chơi liên hệ với “ZL” (tức là qua số Zalo) theo số điện thoại được ghim trên màn hình.
Điều đáng nói nữa, số điện thoại này cũng được “cải tiến” không bao gồm số “0”, thay vào đó là chữ “@”. Ví dụ, như shop “Bé Trang” ghim số điện thoại trên màn hình “@948-948-613” hay shop “Đá quý Hoàng Duẩn” lại ghim bằng cách khác “@962//021//904”… Nghĩa là, người chơi chỉ cần thay chữ “@” bằng số “0” là có thể giao dịch được với nhân viên “ZL” của shop chuyên làm nhiệm vụ theo dõi đơn hàng và chốt nhận - chuyển tiền từ người chơi.
Khi người chơi muốn giao dịch chuyển tiền để đập đá, nhân viên làm nhiệm vụ “búa” (đá) sẽ yêu cầu “CK” tới nhân viên “ZL”. “CK” ở đây được hiểu là người chơi chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng đến shop. Nếu “CK” thành công, nhân viên shop sẽ “búa” (dùng búa đập đá) những viên đá đó để tìm... ngọc quý.
Trong quá trình phá nhỏ các viên đá thô, nếu có các “nẹp” (vân đá) đủ tiêu chuẩn, shop sẽ mua lại những viên đá quý đó của người chơi với giá từ 9 - 12 triệu đồng/1ct (ct tức là carat, đơn vị đo lường trong ngành kinh doanh trang sức). Nếu đá đạt trọng lượng, kích thước (tùy đáy và khối), các shop có thể thu mua của người chơi lên đến 25 triệu đồng/1ct. Còn trong quá trình “tìm ngọc trong đá” bất thành, người chơi sẽ nhận được những lời động viên của shop: “Ổ này không có rồi, các bác hoan hỉ nhé!”...
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, hiện nay trên mạng xã hội TikTok có vài chục shop hàng ngày tổ chức các phiên livestream bán đá quý giống như trò chơi cầu may “đen đỏ”.
Đơn cử như các shop: “Đá quý 1999” với sologen “Chúc anh em 8386”; “Chiếc khăn phiêu Rubi” - “Tìm ngọc cùng em nào cả nhà ơi”; “Kiếp Bôn Ba.22” - “Búa liên tục”; “Đổ thạch VIP” - “Đập đá đổi vận”; “Cao Thùy Dương” - “Chúc anh em 8386”; “Đá quý Hoàng Duẩn” – “Chúc cả nhà nổ lớn thắng to”; “Thanh hoa” -“Giao lưu đổ thạch tìm ngọc cùng em”; “Rya chan Rubi”; “Bé Trang”; “TN Game” – “Búa là nổ 999M”; “Mai Linh đá quý”; “Đổ thạch VIP 999M; “Đá quý Minh Dương VIP”; “Đổ Thạch 1991”; “Quỳnh Búp Bê”…
Với những người chỉ ghé qua “thăm quan” các shop này sẽ nghĩ đây là hoạt động kinh doanh online đơn thuần. Nếu nán lại lâu hơn sẽ dần ngộ ra việc nhân viên shop mời chào mua đá như thế nào. Một người sử dụng mạng TikTok vừa “đặt chân” tới shop “Thanh hoa” thấy hoạt động mời chào của nhân viên shop không hiểu chuyện gì liền thắc mắc: “Sao đập đá thôi mà ra được ngọc vậy?”. Khi “lưu trú” lâu hơn, những người này được nghe chuyện “đập đá tìm ngọc” vô cùng hấp dẫn đó thì mới hiểu ra vấn đề, liền đưa ra lời bình luận: “Chúc shop bắt được nhiều gà to nha!”, rồi lặng lẽ rời khỏi phiên live không một lời chào thân ái...
Giao dịch số tiền khủng
Theo ghi nhận của Báo Công Thương, phương thức hoạt động của tất cả các shop đá quý nêu trên cơ bản giống nhau. Chỉ khác ở chỗ, các shop livestream bán hàng online này giao dịch số tiền nhiều hay ít, đá trị giá cao hay thấp.
Đơn cử shop “Đá quý Hoàng Duẩn” tự giới thiệu chuyên đá hồng Lục Yên, đá ngọc lục bảo hàng ngày thực hiện các phiên livestream trên TikTok với số tiền giao dịch rất lớn. Các ổ đá quý tại shop từ 2M trở lên và nhóm người chơi xuống tiền nhiều nhất từ 10 - 30M, với một rổ đá thường được chào với giá 5M. Còn các ổ đá từ 120 – 200M luôn có sẵn và thi thoảng trong phiên livestream lại có khách hàng “búa”. Cá biệt, có ổ đá được shop chào giá lên đến 460M (460 triệu đồng). Riêng shop này ít nhận người chơi “chốt đá” dưới 1M.
Qua dữ liệu thu thập được từ các phiên livestream “búa” đá cho thấy, trong vòng chưa đầy 4 giờ, shop “Đá quý Hoàng Duẩn” đã công bố chuyển số tiền đến người chơi lên tới trên 3 tỷ đồng .
Cụ thể, trong ngày 2/8, tại thời điểm 17h06, shop này giao dịch chuyển tiền cho người chơi Đ.T.S. với số tiền 205 triệu đồng. Lúc 17h50 cùng ngày, shop này cũng giao dịch chuyển tiền đi cho người chơi có tên T.T.L. với số tiền 180 triệu đồng. Đây là số tiền, người chơi này trước đó mua ổ đá thô màu hồng có giá 11M (tức 11 triệu đồng), nếu trừ vốn lãi 169 triệu đồng. Lúc 18h45, shop này giao dịch chuyển tiền cho người chơi có tên N.V.T. với số tiền 135 triệu đồng.
Hay tại thời điểm 19h21, shop này cũng giao dịch chuyển tiền cho người chơi có tên T.T.L. nêu ở trên số tiền 190M (190 triệu). Chưa đầy 1 tiếng sau, có người may mắn “tìm ngọc trong đá” khi đã được shop mua lại đá với số tiền giao dịch lên tới hơn 1,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính xác thực về các giao dịch chuyển tiền này chưa được kiểm chứng, vì nhân viên shop đã có ý che đi một số thông tin quan trọng. Đáng chú ý, các giao dịch này có sự trùng hợp lạ lùng khi tất cả các giao dịch chuyển tiền của shop “Đá quý Hoàng Duẩn” đều từ Techcombank và nơi đến là Vietcombank?
Thêm nữa, không phải ai cũng “may mắn” như những trường hợp trên, nhiều người chơi đơn lẻ, hoặc “công ty” (cùng góp tiền) mua ổ đá trị giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng bị “toang” là chuyện thường, vì “búa” toàn thấy… đất đá. Thậm chí, số người chơi “búa” các ổ đá lên đến vài trăm triệu đồng được nhân viên shop thông báo “hoan hỉ” cũng nhiều vô kể…
Theo ghi nhận của Báo Công Thương, các shop nêu tên ở trên vẫn tổ chức các phiên livestream hàng ngày và nhiều người chơi vẫn chốt “búa” đá trên không gian mạng với mong muốn thử vận may “tìm ngọc trong đá” xuyên đêm...
Coi chừng tiền mất tật mang
Trao đổi với Báo Công Thương, anh N.T.H. (Hà Nội), một người thợ trong giới đá quý lâu năm tiết lộ, môn “búa đá” này chỉ dành riêng cho những người thợ, có kiến thức, chuyên môn về ngành đá và cả sự may mắn. Người bình thường nếu không hiểu biết rất dễ gặp rủi ro.
“Chơi môn này không tỉnh táo thì tiền “đội nón ra đi” nhanh lắm! Nhẹ nhàng mất vài triệu, nhiều nữa thì tiền trăm triệu là “chuyện thường ở huyện”. Nói vậy, nếu chơi dễ “ăn” thế anh em thợ đá người ta chẳng “ôm” hết rồi, làm gì đến lượt mình. Không dễ “xơi” như mọi người nhìn thấy đâu. Coi chừng tiền mất tật mang…”, người thợ đá quý này cảnh báo.
Chưa biết nguồn gốc của các viên đá quý thô này được các shop thu mua về và bán cho các khách hàng trên TikTok có tính hợp pháp như thế nào, nhưng nếu các giao dịch này là thực thì cần xem xét nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động bán hàng này.
Theo quy định của Điều 4 trong Thông tư 40/2021/TT-BTC, những hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng không phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo luật thuế GTGT và TNCN. Tuy nhiên, khi có doanh thu từ hoạt động bán hàng trực tuyến đạt mức 100 triệu đồng/năm, người bán hàng trực tuyến phải chịu trách nhiệm nộp cả hai loại thuế kinh doanh online này.
Theo Hạ Vy (Báo Công Thương)