Tối 23/1, Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải cùng cơ quan chức năng đối thoại với 38 hộ dân (153 người) ở lô E chung cư 518 Võ Văn Kiệt (phường Cầu Kho), giải quyết các khúc mắc để kịp di dời khẩn cấp. Chung cư này được xây từ năm 1996 đến 1999, do Công ty Kinh doanh nhà thành phố làm chủ đầu tư.
Phó chủ tịch phụ trách đô thị cho biết, ngay khi nhận kết quả kiểm định của Sở Xây dựng về việc chung cư nghiêng 45 cm, có thể sập đổ bất kỳ lúc nào, UBND quận đã xin ý kiến lãnh đạo thành phố để đưa người dân ra khỏi chung cư trong vòng 24 tiếng. Ngoài ra, quận 1 cũng cho dừng hoạt động trường tiểu học Chương Dương bên cạnh, bố trí điểm học mới cho học sinh.
Đến khảo sát chung cư, ông Hải rất bất ngờ về độ nghiêng lún. Nhiều căn hộ tầng trệt bị sụt lún, nghiêng hẳn sang một bên. "Bước vào nhà là thấy chóng mặt, chúi đầu xuống đất, đồ đạc lăn về một phía", ông Hải nói.
"Việc di dời là đặc biệt khẩn cấp. Tôi biết bà con rất bất ngờ bởi còn vài ngày nữa là đến Tết cổ truyền, nhưng không thể làm khác được. Chậm một ngày sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của hàng trăm người", ông Hải nói.
Nhiều hộ dân sống tại chung cư không giấu được vẻ lo lắng. Họ nói "thấy bàng hoàng khi nhận được thông báo di dời khẩn cấp trong 24 tiếng". Hai, ba tháng trước có người đến khảo sát, khoan đục nhưng cư dân không rõ để làm gì. Nếu cơ quan chức năng biết chung cư lún, nghiêng từ lúc đó sao không thông báo cho dân.
"Chúng tôi nhìn bằng mắt thấy chung cư nghiêng lún chứ về kỹ thuật không biết đã đến mức độ nào, nguy hiểm ra sao. Nếu di dời ngay bây giờ thì chúng tôi sẽ ở đâu, sinh hoạt như thế nào", người phụ nữ chất vấn.
Đồng quan điểm, các cư dân yêu cầu quận giải thích việc họ sẽ ở đâu, được hỗ trợ thế nào, phương án xử lý tình trạng nghiêng lún ra sao.
Theo ông Hải, chung cư này dù mới xây 20 năm nhưng trên nền mương nước cũ, hệ thống móng chỉ sâu 2 m, đóng hoàn toàn bằng cừ tràm.
Quận có hai phương án xử lý tình trạng nghiêng lún. Một là gia cố, mất khoảng 6 tháng nhưng phương án này không đảm bảo an toàn. Cách thứ hai là đập bỏ để xây mới, mất ít nhất một năm rưỡi mới hoàn thành. "Tôi xin khất câu trả lời đến tuần sau. Chúng tôi họp với lãnh đạo quận, thành phố rồi thông báo cho bà con", ông Hải nói.
Về chỗ ở, người dân được bó trí vào các căn hộ của thành phố ở quận 1, Bình Thạnh, quận 4, Bình Chánh... Nếu hộ nào ở Bình Chánh được nhận thêm chế độ vì xa trung tâm. Việc di dời sẽ do 200 người là dân quân, công an, trật tự đô thị, thanh niên xung phong và các công ty vận tải. Chi phí do quận 1 chi trả, người dân chỉ trông coi tài sản.
"Bản thân tôi rất trăn trở, suy nghĩ nhiều khi ra quyết định di dời khẩn cấp huống gì cô bác sống ở đây đã nhiều năm. Tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về đợt di dời này vì trên thế giới từng chứng kiến nhiều vụ sập chung cư mà hậu quả để lại vô cùng lớn", ông Hải chia sẻ.
Đại diện Sở Xây dựng TP HCM cho biết, việc khảo sát chung cư diễn ra từ tháng 9 nhưng nay mới có kết quả vì phải theo quy trình. "Chúng tôi không phải chủ quan, thờ ơ với người dân về độ nguy hiểm nhưng cái gì cũng phải chính xác mới khẳng định được", ông này nói.
Lo sợ chung cư có thể sập ngay trong đêm, nhiều người dân muốn được bố trí chỗ ở để họ di dời ngay lập tức. Do chưa có chính sách nên quận 1 không thể đáp ứng. Tuy nhiên, ông Hải đề nghị bà con đăng ký, ông sẽ tự bỏ tiền túi, liên hệ một số khách sạn trên địa bàn để người dân vào ở tạm.
Theo Duy Trần (VnExpress.net)