TP.HCM đang cần một lượng lớn quỹ nhà tái định cư để phục vụ chương trình di dời hơn 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch; sửa chữa cải tạo hàng trăm chung cư cũ đang xuống cấp. Trong khi đó, hiện nay nhiều chung cư tái định cư lại bị bỏ hoang, người dân không vào ở.
Dư và thiếu cục bộ do chính sách thay đổi
Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP trong 10 năm (từ 2006-2017), TP.HCM đã đầu tư xây dựng và dùng ngân sách mua lại hơn 40.000 căn hộ, nền đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong các dự án.
Đến nay, TP đã bố trí hơn 26.000 căn hộ và nền đất, chiếm khoảng 65%. Còn dư gần 14.000 suất tái định cư, tương đương với 35% chưa sử dụng, Nhà nước đang quản lý.
Mới đây, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất là do có sự thay đổi về chính sách pháp luật bồi thường, tái định cư.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, trước đây khi chính sách bồi thường, tái định cư chưa sát với giá thị trường thì gần như 100% người dân đồng ý nhận căn hộ. Có trường hợp để ở nhưng cũng có trường hợp sau khi nhận tái định cư xong, họ đã bán lấy tiền đi nơi khác sinh sống.
“Sau này khi chính sách sát với giá thị trường thì rất nhiều người dân nhận tiền để tự lo nơi ở mới. Chỉ trừ những trường hợp không đủ tiền mua nhà ở thương mại thì mới nhận căn hộ tái định cư. Điều này dẫn đến việc thừa căn hộ so với nhu cầu đăng ký ban đầu của người dân”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng thừa nhận trước kia, khi giải tỏa một dự án, TP chỉ điều tra về mặt pháp lý của căn nhà mà không quan tâm đến đời sống, công ăn việc làm của người dân sau khi chuyển về nơi ở mới, để có những dự báo và đưa ra giải pháp phù hợp hơn.
Tình trạng căn hộ tái đinh cư dôi dư hiện nay có tính lịch sử. 20 năm trở lại đây TP.HCM thực hiện hàng trăm dự án và không phải dự án nào cũng sử dụng hết quỹ nhà, có dự án thiếu, có dự án thừa, rồi cộng dồn lại thành ra con số hiện nay.
Đồng quan điểm này ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho biết, TP.HCM có giai đoạn tái định cư rất khó khăn. Bởi lẽ dự án nào bố trí riêng tái định cư cho dự án đó và không có cái nhìn tổng thể tái định cư của toàn thành phố
“Cần phải nói rằng xây dựng tái định cư gần đây của TP.HCM rất là hoàn chỉnh từ chức năng ở, sinh hoạt, đi lại, giải quyết nhu cầu xã hội của khu tái định cư. Nếu nói thiếu là thiếu cục bộ, thừa cũng là thừa cục bộ. TP tìm cách cân đối quỹ nhà này, điều tiết sao cho sử dụng hợp lý và khoa học.” ông Hoan nhấn mạnh.
Nhiều báo cáo của UBND TP.HCM chỉ rõ lý do dôi dư vì kế hoạch của TP thực hiện tái định cư là nhà chung cư, nhưng tâm lý của người dân quen sống nhà liền đất. Thậm chí có người cũng không nhận nhà, nhận đất mà muốn nhận tiền mặt để tự tổ chức tái đinh cư. Phương thức tái định cư của TP, vì thế, có nhiều biến động.
“Gần đây quỹ tái định cư cho những dự án lớn, điển hình như quỹ tái định cư cho khu đô thị Thủ Thiêm là có dôi dư. Đó cũng là nguyên nhân chứ không hẳn hoàn toàn là do chính sách” - báo cáo chỉ rõ.
Muốn chuyển đổi nhanh để thu hồi vốn
Về việc dư thừa gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư, theo kế hoạch hiện nay TP sẽ tiếp tục giữ lại hơn 8.500 căn hộ và nền đất giao cho các quận/huyện bố trí tái định cư cho người dân bị giải tỏa trong 153 dự án TP đã và đang chuẩn bị triển khai.
TP cũng tính toán và đề xuất với Trung ương cho phép chuyển sang hình thức khác. Để thu hồi vốn nhanh, đưa những căn nhà dôi dư hoạt động có hiệu quả TP đã xin ý kiến chuyển đổi thành nhà thương mại.
Ông Võ Văn Hoan chia sẻ: “Dĩ nhiên chuyển đổi sang nhà thương mại chúng ta cần tính lại giá đất, tính lại suất đầu tư… và đều phải xin ý kiến Thủ tướng. Cần phải làm thành công để đưa sản phẩm này vào thị trường cung ứng thêm cho nhu cầu thương mại.”
Đối với chương trình 12.500 căn hộ tái định cư khu Thủ Thiêm, TP.HCM đã xin ý kiến Chính phủ đồng ý trước khi thực hiện. Trước đây, TP giao Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm mua lại quỹ nhà của doanh nghiệp để phục vụ việc giải tỏa 5 phường ở Thủ Thiêm. Tuy nhiên, do phần lớn người dân lựa chọn phương thức nhận tiền và tự lo chỗ ở, nên quỹ nhà tái đinh cư không sử dụng hết.
Nguồn nhà đem bán đấu giá là các dự án mà TP mua lại từ doanh nghiệp, hoặc dự án đó được đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước, nay không có nhu cầu thì xin ý kiến để bán đấu giá.
Riêng dự án của liên danh Thuận Việt - Sacomreal nằm trong khu 12.500 căn tái đinh cư khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện vẫn là tài sản của doanh nghiệp (do TP chưa trả tiền cho doanh nghiệp), nay TP không có nhu cầu mua nữa thì doanh nghiệp tự kinh doanh.
Tuy nhiên, TP sẽ xác định tiền sử dụng đất theo giá thị trường để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính, thu ngân sách cho Nhà nước. Đến nay việc xác định giá trị đất vẫn chưa xong, có nghĩa là Thuận Việt chưa đủ điều kiện để bán nhà ra thị trường.
“Tái định cư không chỉ là nơi ở mà còn là không gian sống, làm việc, đi lại, là phong tục, tập quán của người dân. Đây là bài học mà TP cũng như các sở ngành, quận huyện đã nhận thức được trong quá trình tổ chức tái định cư cho người dân bị giải tỏa. Đến nay, bài học này cũng đã được nhìn nhận và khắc phục” - Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trong Tuấn nhìn nhận.
Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)