Bộ GTVT mới có tờ trình đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Theo Bộ GTVT, hiện nay Luật Phí và Lệ phí chưa có quy định về phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Việc thu tiền sử dụng đường bộ theo cơ chế giá thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc chỉ được thực hiện đối với các dự án xây dựng đường bộ để kinh doanh (dự án BOT).
Để thực hiện mục tiêu 5.000km đường cao tốc, ước tính nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng để hoàn thành 2.043km; khởi công 925km sẽ cần tới 239.500 tỷ đồng ngân sách nhà nước.
Do yêu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư mới đường cao tốc rất lớn nên việc xây dựng chính sách để ngân sách nhà nước có nguồn dành cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết.
Bên cạnh đó, khi các đường cao tốc hoàn thành cần nguồn tiền bảo trì nhằm duy trì điều kiện kỹ thuật. Những năm qua các tuyến đường do Nhà nước quản lý, ngân sách chi bình quân khoảng 830 triệu đồng/km/năm mới cơ bản đáp ứng được chi phí quản lý, khai thác và một phần chi phí bảo trì.
Dự kiến đến 2025, trường hợp 1.624km đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách đi vào hoạt động, ước tính tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 9.067 tỷ đồng (bình quân 1.813 tỷ đồng/năm).
Không nên thu trong bối cảnh hiện nay
Chiều 10/8, trao đổi với phóng viên VietNamNet, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, đề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đã được đặt ra từ năm 2020, nhưng thời điểm đó vấp phải phản ứng từ dư luận nên đề xuất này không được xem xét.
Ông Long cho rằng, mỗi khi nguồn lực hạn chế trong khi nhu cầu cần thì chúng ta thường sử dụng biện pháp tăng thu.
“Quan điểm của tôi là khi nguồn lực chúng ta có hạn thì cần phải xem xét việc chúng ta chi đã hiệu quả chưa? Trong bối cảnh sử dụng không hiệu quả gây lãng phí thất thoát mà muốn tăng thu là bất hợp lý”, ông Long bày tỏ.
Theo vị chuyên gia kinh tế, việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ tạo áp lực lớn lên người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, người lao động có những nơi lương không đủ sống.
“Trong bối cảnh này đáng lý nên giảm thu, Chính phủ còn giảm thuế VAT, vậy mà giờ lại muốn tăng thu là điều bất hợp lý”, ông Long nhấn mạnh.
Ông Long nhận định, trong điều kiện năng lực cạnh tranh của chúng ta còn hạn chế, nếu tiếp tục tăng các khoản thu trong đó có phí đường bộ sẽ dẫn đến chi phí đầu vào tăng. Khi chi phí đầu vào tăng sẽ làm giá cả hàng hóa tăng theo chi phí vận chuyển, mà giá tăng thì sẽ mất khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bộ GTVT cho rằng đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư đã đúc rút kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Thế nhưng theo PGS. TS. Ngô Trí Long, ngay bản thân những nước phát triển, thu nhập cao như Mỹ cũng không thu; gần hơn là các nước khu vực Đông Nam Á cũng không thu phí đường cao tốc do chính phủ, nhà nước đầu tư.
“Nguyên tắc của ngành tài chính là muốn có nguồn thu phải nuôi dưỡng, tạo ra nguồn thu. Trong bối cảnh không nuôi dưỡng, nguồn thu đang khó khăn mà lại tăng thu thì chưa được hợp lý”, ông Long nêu quan điểm.
Theo ông Long, sẽ có hai nhóm chịu ảnh hưởng của chính sách này nếu được chấp thuận. Nhóm 1 là các phương tiện của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Lúc này, việc thu phí đường cao tốc chỉ là hình thức chuyển tiền từ túi này vào túi kia.
Nhóm 2 với doanh nghiệp tư nhân và người dân, đó là tiền túi họ bỏ ra. “Tiền thuế của nhân dân đã đóng góp để xây đường rồi, bắt đóng thêm lần nữa thì có phải bắt họ đóng phí 2 lần, phí chồng phí không? Chưa kể bây giờ đã có phí bảo trì đường bộ rồi. Do đó, tôi cho rằng không nên thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư”, ông Long kiến nghị.
Theo N.Huyền (VietNamNet)