Với hội trường lớn 1.500 chỗ ngồi, Cung hữu nghị Việt - Trung được xây dựng tại đường Lê Quang Đạo, khu vực phía tây của Hà Nội. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, trong đó hơn 2/3 là từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng nay tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam trong hai ngày 12 và 13/11. Ông Tập chiều nay sẽ tới dự lễ khánh thành Cung hữu nghị Việt - Trung và Lễ khai trương Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Trung Quốc sau đó gặp và trao đổi ngắn với đại diện nhân sĩ hữu nghị hai nước
Lễ đón chính thức Chủ tịch Trung Quốc dự kiến diễn ra chiều nay tại Phủ chủ tịch. Ông Tập tiếp đó hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chào xã giao Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và dự tiệc chiêu đãi do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì.
15h40
Buổi lễ khánh thành Cung hữu nghị Việt - Trung kết thúc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên xe tới Phủ Chủ tịch dự lễ đón chính thức.
Đoàn xe của Chủ tịch Tập Cận Bình rời Cung hữu nghị Việt - Trung. Video: Dương Tâm. |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Cung hữu nghị Việt - Trung vào khoảng hơn 15h. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau đó mời Chủ tịch Trung Quốc làm lễ khai biển Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội, bên trong Cung hữu nghị Việt - Trung.
Hội trường phía trong Cung hữu nghị Việt - Trung bắt đầu đông dần từ 14h. Một số đại biểu tranh thủ chụp ảnh tại phòng khánh thành.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi nhận định chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Việt - Trung, "định hướng và dẫn dắt quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc lên một tầm cao mới".
Đại sứ cho rằng Việt - Trung sẽ đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc kết nối chiến lược giữa Sáng kiến "Vành đai Con đường" của Trung Quốc với "Hai hành lang và Một vành đai kinh tế" của Việt Nam. Đây là hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ đã được lãnh đạo cao cấp hai nước thỏa thuận xây dựng.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng cho biết chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là lần thứ hai trong vòng một năm lãnh đạo cấp cao nhất hai nước cùng thăm chính thức song phương. Đây là điều ít xảy ra trong ngoại giao hai nước từ trước tới nay, thể hiện tầm cao trong quan hệ hai nước và sự coi trọng của tập thể lãnh đạo mới của Trung Quốc đối với quan hệ Việt - Trung.
Dự án được thiết kế bên ngoài tròn và bên trong vuông, tạo hình hoa sen, hình tròn tượng trưng cho sự hài hòa, đoàn kết và viên mãn, thể hiện mong ước hòa bình, hữu nghị của nhân dân hai nước. Hoa sen là quốc hoa của Việt Nam, đưa tạo hình hoa sen vào không gian nội thất và mặt đứng thể hiện sự giao lưu văn hóa ngày càng phát triển cũng như mối tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cung hữu nghị được chia làm ba khu A, B và C. Khu A ở giữa là nhà hát với chức năng chính là tổ chức hội nghị kiêm biểu diễn nghệ thuật, bao gồm sân khấu, hậu trường, khán phòng có sức chứa 1.500 chỗ ngồi, phòng triển lãm ở tiền sảnh và các phòng phụ trợ. Khu B nằm ở phía tây bao gồm phòng đa chức năng, phòng hội nghị, phòng nghỉ ngơi, văn phòng làm việc. Khu C nằm ở phía đông gồm phòng khách VIP, phòng trà, phòng trị liệu đông y, phòng hoạt động câu lạc bộ, phòng đọc sách và các phòng chức năng.
Công trình Cung hữu nghị Việt - Trung được được Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phát lệnh khởi công vào năm 2004. Tháng 3/2015, công trình này bắt đầu được xây dựng.
Theo VnExpress.net